Tết này Hai lúa đi lễ hội chùa X. Sau hai ngày tận hưởng không khí lễ
hội xong, Hai lúa quay về, bước vào nhà với dáng dấp thất thểu, miệng
thở hổn hển, mắt như nhắm cụp lại, chân hươu đá chân nai, quần áo tóc
tai xộc xệch, bà Hai thấy vậy la lớn:
- Trời ơi là trời! ông đi lễ hội chùa chiền chớ có phải đi đánh giặc
đâu mà nhìn thấy te tua thế hả? ngó bộ lên đó nhậu dữ lắm chứ gì?
Hai lúa nhướng cặp mắt nặng trịch, nhìn bà Hai, cau có:
- Nè… nè… tui nói cho bà biết, đừng có mà đổ oan cho tui nha, dù rằng
hàng quán nhậu nhẹt phải nói là quá xá nhiều, nhưng tui đâu có ngu mà
đưa lưng cho họ chặt chém chứ hả? Thôi, bà làm tui ly nước sâm cho tui
uống lấy lại sức cái đã.
Bà hai kêu đứa con trai đang ngồi nghe ngóng:
- Ê… mày làm cho ổng ly nước sâm đi, kẻo ổng gần chết rồi kìa! khiếp, đi lễ hội mà cứ như đi trận mạc không bằng.
- Híc…! bà biết không, người ơi là người, đông như kiến. họ chen
chúc, giẫm đạp lên nhau, chen lấn, xô đẩy nhau, chửi bới, thô tục với
nhau… ôi thôi, không còn gì là nét văn hóa nữa cả!
Bà Hai nghe thế giật bắn cả mình, bà ngồi chồm hổm tra tiếp:
- Ủa! lễ hội là nét văn hóa truyền thống cơ mà, sao ông nói gì lạ vậy, mình đi lễ thì phải giữ gìn nét văn hóa chứ?
Hai lúa nhấp một ngụm nước sâm của thằng Tí vừa đem lên, ông nuốt cái ực, rồi chậm rãi:
- Thì ai cũng biết thế, nhưng bước đến đó rồi ai cũng tranh, giành
giật nhau từng chút; mạnh được yếu thua. hàng quán thì thi nhau chặt
chém người mua, đạo đức không còn trong không gian lễ nữa; nơi tôn
nghiêm mà họ bán toàn thịt thú rừng, rùa, rắn, dê, nai… cho đến thịt
chó, heo, mèo, chuột… nơi đây trở thành chốn tận diệt môi trường. rác
rến thì ôi thôi ngập tràn, kinh khủng lắm.
- Vậy nữa à!… Thế ông có mua cân thịt nai về cho tui tẩm bổ không?
Hai lúa bỗng vỗ đùi cái bốp:
- Bà tưởng là nai thiệt đó à? toàn thịt dỏm, đánh tráo không đó. treo
đầu dê bán thịt chó, treo heo nái bán heo rừng... lường gạt người mua
đó bà biết không?
Bà hai đổi tư thế, ngồi vắt chân chữ ngũ, ngửa mặt lên trần nhà:
- Trời ơi! nơi lễ hội linh thiêng mà sao họ gian lận thế không biết, thế ông có vào làm lễ xin lộc gì không?
- Tui cố gắng vượt qua số “cái bang” và mua bán hàng rong đeo bám
thiếu điều muốn chết! cố chen lấn theo dòng người, chịu khó nghe họ chửi
bới nhau vì giẫm đạp, có người bị kẻ gian móc túi la khóc, rất khó khăn
để lọt vào trong…
Bà hai cắt ngang:
- Trời ơi… thế ông có bị bọn lưu manh trà trộn móc túi, rạch giỏ không đấy hả…
Hai lúa nghe bà hai hỏi thế giật cả mình, lấy tay sờ túi quần:
- May quá, chưa bị móc ví bà à…
- Ông kiểm tra cái túi xách xem sao, có bị rạch không đó?
Hai lúa vội kiểm tra thì y như rằng bị bọn xấu rạch túi móc mất cái di động không biết hồi nào, bà hai la lớn:
- Thế đấy! hễ đi lễ lần nào về thì cũng bị mất hết á, không mất cái
này thì cũng mất cái kia, không mất vật chất thì cũng mất tinh thần...
oải quá!
Hai lúa an ủi:
- Thôi bà đừng buồn, để tui bán tạ thóc mua cái mới cho oách…
- Ông làm như nhà mình dư dả lắm vậy, lúa còn không đủ giáp hạt nữa kìa…
- Bà an tâm, tui đi lễ hội xin lộc rồi, thế nào năm này cũng khấm
khá. bà biết không, sau khi tui khấn vái xong, tui bắt chước mọi người
nhét tiền vào các tượng phật, tượng thần, tượng thánh, nhét vào miệng
các linh vật… mấy ổng nhận rồi, chắc sẽ giúp mình thôi.
Bà hai trố mắt:
- Trời ơi! ông lại hối lộ cho thần thánh nữa đấy à? sao tự dưng ông quan niệm lạ đời vậy?
Hai lúa thoáng suy nghĩ rồi khoát tay nói:
- Bà nghĩ đi, ở trần gian bây giờ việc gì cũng hối lộ mới trôi chảy,
bà giỏi đi đến nơi làm việc của các quan rồi khắc biết, thậm chí thấp
nhất là ông trưởng thôn còn ăn hối lộ dân nghèo, mới đưa họ vào danh
sách được trợ cấp xóa đói nữa là… nếu không ấy à, còn khuya!
Bà hai thở dài:
- Đó là trần gian, còn đây là chốn tâm linh cơ mà.
- Tâm linh thì cũng theo thời thế, muốn trên trước cho lộc thì mình
phải hối lộ chút chút như trần thế chứ, bà không thấy bây giờ họ cúng gì
cũng đốt tiền gửi đi à, bà không thấy lấy tâm linh ra kinh doanh à, họ
bỏ tiền tỉ ra xây chùa giả, đền giả, thầy giả… để nhằm lừa thiên hạ mà
quyên góp tiền bạc, lấy tiền cúng dường chia nhau đó...
Bà hai nghe xong lắc đầu ngao ngán...!
Theo báo Tuổi trẻ cười
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!