Bán dâm - Nên hay không nên ?

Leave a Comment
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, vấn đề nên hay không nên thành lập “khu vực nhạy cảm”, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc bán dâm và các ngành nghề nhạy cảm dễ liên quan đến tệ nạn xã hội khác. Trong bài viết này, tôi bàn đến việc bán dâm. 

Chúng ta có sở hữu chính mình hay không?


Nếu bạn muốn bán một cái gì đó thì trước hết bạn phải sở hữu nó, bán dâm được hiểu là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác (khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003), hiểu theo nghĩa này người thực hiện hành vi bán dâm bán đi khả năng giao cấu với người khác để có được tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Nhưng họ có thực sự sở hữu khả năng này hay không?


Tôi xin đề cập đến hai ví dụ, 


- Thứ nhất là việc mua bán thận, hành vi bán thận bị cấm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đã có rất nhiều lý lẽ ủng hộ cũng như phản đối việc mua bán thận. Bên ủng hộ cho rằng mỗi năm có rất nhiều người chết vì chờ được cấy ghép thận, vậy nếu như thành lập một thị trường tự do về mua bán thận sẽ hạn chế việc người bị chết, mặt khác một người có thể sống bình thường với một quả thận, và dựa trên chủ nghĩa tự do cá nhân, tôi sở hữu không hạn chế đối với các bộ phận trên cơ thể của tôi. Bên phản đối cho rằng, việc cho phép mua bán thận sẽ dẫn đến những hành vi môi giới trung gian kiếm tiền trên bộ phận cơ thể của người bán và sự khó khăn bệnh tật của người mua là vô nhân đạo, bên cạnh đó nếu tôi có quyền sở hữu vô hạn đối với toàn bộ các bộ phận trên cơ thể của tôi thì sau khi tôi bán xong một quả thận tôi phải có quyền được bán đi quả thận thứ hai dù chấp nhận mất mạng, như vậy có nghĩa rằng tôi đã sử dụng mạng sống của mình để có được tiền. 


Nếu chỉ cho phép mua bán những nội tạng dùng để cứu người và không gây nguy hại đến mạng sống của người bán thì có nghĩa rằng bạn không sở hữu vô hạn đối với các bộ phận trên cơ thể của bạn.


- Thư hai, mang thai hộ. Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 cho phép hành vi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Người phụ nữ dùng khả năng tự nhiên của mình để mang thai hộ cho người khác nhưng không được bán khả năng đó. Tại sao tôi chỉ được sử dụng chức năng phụ nữ của tôi cho mục đích giúp người khác chứ không phải vì mục đích có được lợi ích vật chất trong khi nhiều quốc gia trên thế giới cho phép việc đàn ông bán tinh trùng? Thẩm phán tòa án sơ thẩm Tòa án bang New Jersey, Mỹ, R. Harvey Sorkow, lập luận rằng: “Nếu nam giới có thể cung cấp các phương tiện để sinh sản thì phụ nữ cũng phải được phép làm vậy, nếu không được làm thế là phủ nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trước pháp luật”. Tuy nhiên, Chánh án Tòa án tối cao của Mỹ, Robert Wilentz, phủ nhận quyền được bán khả năng sinh con của người phụ nữ với lý do cấu thành hành vi bán trẻ em, và ông khẳng định rằng trong xã hội này có những thứ tiền không thể mua được. Đẻ thuê tương đương với bán con mà bán con là hành vi không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh. Ông cũng phủ nhận lập luận cho rằng tiền để trả cho việc đẻ thuê không phải là mua đứa trẻ vì người đàn ông là cha của đứa trẻ, tiền chi trả cho việc người phụ nữ đồng ý mang thai và đẻ ra đứa trẻ, nói khác đi tiền đó là mua trứng và khả năng mang thai của người phụ nữ chứ không phải mua đứa trẻ mà trứng là một tế bào chứ không phải là hợp tử. Wilentz cho rằng người phụ nữ trong hợp đồng đẻ thuê phải từ bỏ quyền làm mẹ thì mới được nhận khoản tiền đó chứng tỏ rằng họ phải đánh đổi người con của mình để có tiền.


Con người là mục đích hay là phương tiện?


Immanuel Kant (1724 – 1804) phản đối tất cả các hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân vì ông cho rằng dù là tự nguyện thì hành vi đó cũng hạ phẩm giá của hai người. Về hành vi mại dâm, Kant cho rằng con người phải coi mình là mục đích chứ không phải là phương tiện để đạt được mục đích, vì người không phải là đồ vật. Và Kant cũng khẳng định rằng không ai có quyền sử dụng tùy ý bản thân mình vì có thể của chúng ta không thuộc quyền sở hữu của chính chúng ta, ông cho rằng “việc cho phép một người vì lợi nhuận mà chấp nhận bị sử dụng nhằm mục đích thỏa mãn ham muốn tình dục củ người khác và tự biến mình thành đối tượng của đòi hỏi đồng nghĩa với việc biến người đó thành đồ vật thỏa mãn thú tính, giống như thỏa mãn cơn đói bằng một miếng thịt bò”.
Dưới góc độ của Kant, khi thực hiện hành vi mua bán dâm người đàn ông quan hệ tình dục với một người đàn bà không phải vì người đàn bà đó mà vì giới tính của bà ta, chính vì vậy hành vi mua bán dâm sẽ hạ thấp giá trị con người xuống nên phải bị phản đối.
Con người phải coi mình là mục đích để hành động chứ không phải là phương tiện để đạt được mục đích.


Có nên hợp thức hóa việc bán dâm?


Cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy một lập luận nào đủ sức thuyết phục tôi đồng ý với quan điểm hợp thức hóa việc bán dâm khi mà các lập luận đều chỉ muốn nói đến việc quản lý không được nên cần phải dồn lại thành một khu. Cho đến nay, đa số các quốc gia trên thế giới vẫn phản đối hành vi mua bán dâm. Khi chúng ta gia nhập WTO, câu nói được nhắc đến nhiều nhất đó là “hội nhập chứ không hòa tan” vậy nếu chúng ta thừa nhận hành vi mua bán dâm thì có được coi chúng ta đã bị hòa tan hay không?


Chúng ta phản đối tình dục ngoài hôn nhân, hành vi ngoại tình bị phạt tiền vậy mua dâm có được xem là ngoại tình hay không?


Có quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp một cách thỏa đáng thì vấn đề hợp pháp hóa việc mua bán dâm xem ra còn xa vời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!