Một số vướng mắc đối với Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Leave a Comment

Vướng mắc 1: Nguyên đơn không cung cấp được bản vẽ đo đạc thửa đất tranh chấp

Điều kiện để Tòa án thụ lý yêu cầu tranh chấp đất đai là người khởi kiện phải cung cấp kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và biên bản hòa giải tại UBND cấp xã. Như vậy, sau khi xem xét nội dung đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đã đầy đủ thì Tòa án phải ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện và tiến hành thụ lý vụ án nếu người khởi kiện đã nộp biên lai đóng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đúng thời hạn quy định.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp đất đai Tòa án luôn yêu cầu đương sự phải ký kết hợp đồng dịch vụ đo đạc với cơ quan, đơn vị có chức năng đo đạc (thường là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai) để cung cấp bản vẽ trích đo địa chính đối với diện tích đất tranh chấp. Và rõ ràng rằng nếu người khởi kiện không ký hợp đồng đo đạc và không cung cấp bản vẽ trích đo địa chính đối với diện tích đất tranh chấp thì giải quyết thế nào? 

Trước hết cần làm rõ ý nghĩa của bản vẽ trích đo địa chính. Bản vẽ trích đo địa chính thể hiện diện tích đất tranh chấp, vị trí địa lý của thửa đất để Tòa án có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp các tài liệu, chứng cứ về diện tích đất tranh chấp để xác định đúng người có quyền sử dụng đất đó. Bên cạnh đó, bản vẽ trích đo địa chính là tài liệu quan trọng để làm căn cứ xem xét, thẩm định tại chổ và định giá tài sản tranh chấp.

Căn cứ như trên thì nếu người khởi kiện yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất đối thửa đất đã được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người bị kiện thì Tòa án có cần yêu cầu người khởi kiện ký kết hợp đồng đo đạc hay không bởi lẽ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thể hiện đầy đủ các thông tin về diện tích và vị trí địa lý của thửa đất? Có quan điểm cho rằng, tranh chấp đất đai là buộc phải tiến hành đo vẽ vì có thể khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND cấp huyện đo vẽ sai lệch với diện tích thực tế. Tuy nhiên, việc người khởi kiện và đơn vị cung cấp dịch vụ tiến hành đo đạc phục vụ cho mục đích khởi kiện khác với việc đo đạc của UBND cấp huyện khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo hợp đồng đo vẽ mà Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hàm Tân ký kết với người khởi kiện thể hiện người khởi kiện có nghĩa vụ chỉ ranh, cắm mốc. Như vậy, bản vẽ trích đo địa chính là theo sự chỉ ranh, cắm mốc của người khởi kiện còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp là theo sự chỉ ranh của người được cấp (thường là bị đơn). 

Việc, diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng được cấp có sai lệch với diện tích thực tế không ảnh hưởng, mất đi khi Tòa án ra phán quyết về vụ án, bởi lẽ Tòa án quyết định quyền và lợi ích hợp pháp của các bên dựa trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do một cơ quan quản lý hành chính có thẩm quyền (UBND cấp huyện) cấp. Nếu sau khi các bên được Tòa án công nhận quyền sử dụng đất tiến hành đo đạc lại và thấy sai lệch so với thực tế thì có quyền khiếu nại cá nhân, tổ chức có thẩm quyền hoặc khởi kiện một vụ án hành chính tại Tòa án. Đối với các vụ án tranh chấp đất đai thông thường, Tòa án có thể xác định UBND huyện là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đề nghị UBND huyện làm rõ lý do sai lệch giữa diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kết quả đo đạc thực tế nhưng đối với vụ án tranh chấp tài sản chung thì Tòa án thông thường không xác định UBND huyện là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên UBND huyện không có nghĩa vụ giải thích lý do có sự khác biết vì việc đo đạc này độc lập và không liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận trong công tác quản lý hành chính của UBND. Ngoài ra, chỉ khi nào xác định chắc chắn cần thiết phải hủy thì Tòa án mới xác định tư cách tố tụng của UBND là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (theo quy định của Điều 32a Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 thì cần phải có yêu cầu của đương sự) nhưng lúc này thì việc đo đạc đã được tiến hành.

Trường hợp, diện tích đất tranh chấp thỉ là một phần của thửa đất được cấp hoặc diện tích đất tranh chấp (hoặc một phần) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần phải tiến hành đo đạc để xác định đúng diện tích và vị trí địa lý của phần đất tranh chấp.

Nhưng vấn đề đặt ra là nếu người khởi kiện không đồng ý ký kết hợp đồng đo đạc thì Tòa án giải quyết thế nào? Về điều kiện thụ lý vụ án, người khởi kiện đã đáp ứng đủ điều kiện, việc ký kết hợp đồng đo đạc với đơn vị đo đạc là hợp đồng dịch vụ và không có sự tham gia của Tòa án như vậy đây không phải là biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự. Và Tòa án không thể đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 vì đương sự không nộp tiền chi phí đo đạc đất đai được vì đây không phải là chi phí xem xét, thẩm định tại chổ, định giá tài sản hay các chi phí tố tụng khác.

Do vậy, thiết nghĩ cần thiết phải quy định bản vẽ trích đo địa chính là tài liệu cần thiết để thực hiện yêu cầu khởi kiện. Trong trường hợp đất tranh chấp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất tranh chấp thì là một phần của thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và người khởi kiện không trực tiếp quản lý đất, không thể phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để cung cấp bản vẽ trích đo địa chính thì sau khi Tòa án thụ lý vụ án yêu cầu Tòa án tạo điều kiện để thu thập chứng cứ (khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Vướng mắc 2: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc cho phép Tòa án khi giải quyết vụ án dân sự được quyền hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự một cách triệt để nhưng sự thay đổi về thẩm quyền xem xét quyết định hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện đã tạo nên nhiều quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ án dân sự tranh chấp đất đai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quan điểm 1: Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên nếu các bên không có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trừ trường hợp có căn cứ chắc chắn việc cấp giấy chứng nhận là sai và cần thiết là phải hủy thì chuyển vụ án lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Quan điểm này có một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự đã loại bỏ hai điều kiện để Tòa án có thể xem xét hủy quyết định các biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Nghĩa là, trong mọi trường hợp tranh chấp đất đai mà có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải xác định UBND là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Như vậy, chỉ khi đương sự có yêu cầu hủy thì Tòa án nhân dân cấp huyện mới chuyển lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết là không đúng với tinh thần của Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc, Tòa án cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết vụ án nếu như xét thấy không cần thiết phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không chuyển vụ án lên Tòa án nhân dân tỉnh thì vô hình chung tạo cho người dân thấy được rằng kết quả vụ án đã được ấn định trước khi mở phiên tòa, đi ngược lại với tinh thần đẩy mạnh chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và thẩm quyền xem xét, quyết định kết quả vụ án là thuộc về Hội đồng xét xử chứ không phải của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.

Trường hợp đã mở phiên tòa xét xử, đương sự cung cấp được tài liệu chứng cứ mới và việc cung cấp tài liệu, chứng cứ này là phù hợp với quy định tại Điều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được Hội đồng xét xử chấp thuận nhưng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ này thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện là không đúng và cần thiết phải hủy thì mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Hội đồng xét xử quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết nhưng Tòa án cấp tỉnh không đồng tính với quyết định của Hội đồng xét xử Tòa án cấp huyện, không chấp nhận quyết định chuyển hồ sơ vụ án, trả hồ sơ về Tòa án nhân dân cấp huyện tiếp tục giải quyết như vậy sẽ rất phức tạp và gây khó khăn cho đương sự.

Liên quan đến thời gian thụ lý yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đương sự trong vụ án, có quan điểm cho rằng nếu thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết nhưng điều này là không phù hợp với Điều 1 Nghị quyết 103/2015/QH13 và nếu cần thiết phải hủy thì Tòa án nhân dân cấp huyện cũng không thể hủy được vì không đúng thẩm quyền theo điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.

Quan điểm 2: Tất cả các vụ án dân sự về tranh chấp đất đai có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính vì chỉ có Tòa án nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền xem xét việc hủy quyết định cá biệt của Chủ tịch UBND cấp huyện và UBND cấp huyện. Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xem xét thì không thể xác định đúng hay không đúng nên không thể xác định được có nên hủy hay không đối với quyết định của Chủ tịch và UBND cấp huyện.

Tuy nhiên, việc này vô hình chung đã làm giảm thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện và tăng khối lượng công việc của Tòa án nhân dân tỉnh vì tranh chấp dân sự về đất đai hiện nay đều có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều này sẽ khiến cho Tòa án nhân dân tỉnh bị quá tải.

Do vậy, cần có quy định cụ thể để việc giải quyết vụ án được thống nhất.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!