Hợp đồng vô hiệu và những hệ lụy kéo theo

Leave a Comment
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hợp đồng là một công cụ cần thiết đã được nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình khi tham gia vào các giao dịch dân sự.
Trong trường hợp thông thường, khi giao kết hợp đồng, nhìn chung lợi ích của các bên là ngang bằng nhau, hoặc ít nhất các bên cho rằng việc giao kết hợp đồng mang lại lợi ích cho mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, những biến đổi của thị trường khiến lợi ích của các bên không còn được đảm bảo ngang bằng như tại thời điểm ký giao kết, điều này tất yếu sẽ dẫn đến sự xung đột về lợi ích. Ví dụ, tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa công ty bất động sản A và người mua B, giá trị căn hộ tại thời điểm đó là 01 tỷ đồng, trong quá trình thực hiện hợp đồng thì do biến động của thị trường khiến giá trị căn hộ bị đẩy lên đến 1,5 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc công ty A đã bị “lỗ” 500 triệu đồng và người mua B “lời” 500 triệu đồng nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng, mặc dù đây là khoản “lời – lỗ” do biến động thị trường tạo ra, nghĩa là nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng như giao kết ban đầu thì công ty A vẫn có lợi như dự tính ban đầu.
Không có gì đáng nói nếu các bên vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng như đã giao kết, vẫn đề nãy sinh khi một bên không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng và nghĩ ra mọi cách có thể để thoái thác nghĩa vụ đã giao kết. Một trong những cách thức đó là yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Điều này xuất phát từ hậu quả pháp lý của việc tuyên bố “hợp đồng vô hiệu” được quy định tại Điều 137, Bộ luật Dân sự 2005: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Nhưng để chứng minh yếu tố “lỗi” buộc bên gây thiệt hại phải bồi thường là điều không phải dễ dàng, các bên có thể lại bị cuốn vào một chiến pháp lý “khác” phức tạp hơn.
Bộ luật Dân sự quy định về những trường hợp hợp đồng vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 và Điều 411 Bộ luật Dân sự 2005. Cụ thể như sau:
- Theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2005, thì hợp đồng được xem là vô hiệu khi vi phạm điều kiện được quy định tại Điều 122. Ngoài các điều kiện được quy định tại khoản 1, thì hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức cũng là một trong những nguyên nhân khá phổ biến. Mà phần nhiều là do tâm lý chủ quan của các bên khi giao kết hợp đồng. Ví dụ: ông A bán nhà cho ông B, vì là chổ thân tình nên hai bên ký kết hợp đồng nhưng không thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Vì lý do biến động thị trường, giá nhà đất tăng cao đột ngột, dẫn đến, ông A không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng. Ông B khởi kiện ra Tòa án, căn cứ vào Điều 450 và Điều 134, Bộ luật Dân sự 2005, Tòa án yêu cầu các bên phải thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng. Tất nhiên, vì không muốn tiếp tục bán căn nhà nên ông A không hợp tác với ông B tiền hành thủ tục công chức hoặc chứng thực. Vì lẽ đó, nên Tòa án sẽ tuyên bố hợp đồng vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 127, Bộ luật Dân sự 2005.
- Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật và trái với đạo đức của xã hội, được quy định tại Điều 128. Một trong những trường hợp vi phạm phổ biến nhất hiện nay là các bên giam gia giao kết hợp đồng không có chức năng sử dụng ngoại tệ nhưng vẫn thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ, thỏa thuận này vi phạm quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Hợp đồng vô hiệu do giả tạo được quy định tại Điều 129. Đó là việc các bên xác lập một hợp đồng để nhằm che dấu một hợp đồng khác hoặc thực hiện hợp đồng nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba thì hợp đồng đó vô hiệu. Ví dụ: Các bên giao kết hợp đồng mua bán nhà đất nhưng để trốn nghĩa vụ đóng thuế, các bên thỏa thuận lập một giao kết hợp đồng có công chứng với giá trị ghi trên hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá trị thực mà các bên giao kết. Điều này đồng nghĩa với việc các bên đã lập một giao kết hợp đồng khác nhằm che giấu đi giao kết thực sự. Theo quy định, thì giao kết giả tạo này sẽ bị vô hiệu, và giao kết thực cũng bị tuyên vô hiệu vì theo quy định, nó vi phạm về mặt hình thức của hợp đồng.
Ngoài các trường hợp nêu trên, thì tại các Điều 130, 131, 132, 133 còn quy định các nguyên nhân khác dẫn đến việc hợp đồng bị vô hiệu, như hợp đồng bị vô hiệu do nhầm lần, lừa dối, đe dọa, do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình…
Một trong những nguyên nhân, theo quan điểm của người viết, dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu là sự thiếu hiểu biết về pháp luật, cảm tính, chủ quan và vì món lợi nhỏ mà đánh cược một lợi ích lớn hơn. Ví dụ, khi giao kết hợp đồng mua bán đất, các bên đồng ý ghi vào hợp đồng số tiền giao dịch thấp hơn nhiều so với số tiền thực tế nhằm giảm mức thuế phải đóng cho nhà nước, dẫn đến khi giao dịch dân sự bị tuyên là vô hiệu vì một lý do khác (như người bán không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình) thì căn cứ vào Điều 133, Điều 137, Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, rõ ràng rằng các bên sẽ phải vướng vào một vụ kiện khác để đòi lại số tiền mà mình đã thực giao, thậm chí là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.
Do vậy, cá nhân, tổ chức trước khi giao kết hợp đồng cần phải tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật về hợp đồng mà mình dự định sẽ ký kết, để tránh những tổn thất sau này.
Bài được viết theo quan điểm cá nhân của người viết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!