Quyết định thu hồi đất được ký nhân danh Chủ tịch UBND ?

Leave a Comment
Theo Báo cáo rút kinh nghiệm xét xử án hành chính 06 tháng đầu năm thi đua 2014 – Cụm thi đua số IV, Tòa Hành chính, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: “việc giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND nhưng lại được ban hành dưới hình thức quyết định của Chủ tịch UBND là không trái Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân”. Tòa Hành chính, Tòa án nhân dân tối cao căn cứ vào Văn bản số 300/BTP-PLHSHC, ngày 25/8/2009, của Bộ Tư pháp gửi Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong công văn nêu trên, Bộ Tư pháp cho rằng: “đối với trường hợp ra quyết định thu hồi đất, theo quy định là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân, nhưng theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, thì được giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định. Về cơ bản, việc ra quyết định thu hồi đất do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tự xem xét, quyết định và ký nhân danh Chủ tịch. Nhưng trong một số trường hợp cụ thể nào đó, khi xét thấy việc thu hồi đất là phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến đời sống chính trị, xã hội trên địa bàn thì tập thể Ủy ban nhân dân có thể thảo luận tập thể để quyết định có thu hồi đất đối với tổ chức, cá nhân nào đó hay không. Trong trường hợp này, nếu đa số thành viên Ủy ban nhân dân quyết định việc thu hồi đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ thay mặt Ủy ban nhân dân ký quyết định thu hồi”

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 127, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì “Chủ tịch Ủy ban nhân dân có quyền quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp mình (trừ các vấn đề quy định tại Điều 124)”. Như vậy, việc thu hồi đất là thẩm quyền của Ủy ban nhân dân và không thuộc một trong các vấn đề được quy định tại Điều 124, Luật Tổ chức HĐND và UBND, do vậy việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân có quyền quyết định là không trái quy định. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 44 Luật Đất đai 2003, có quy định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 44 không được ủy quyền”, hiểu theo quy đinh này nghĩa là Ủy ban nhân dân các cấp không được ủy quyền lại cho cá nhân hay cơ quan, tổ chức khác ban hành quyết định thu hồi đất.

Theo quan điểm của Bộ Tư pháp “khi xét thấy việc thu hồi đất là phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến đời sống chính trị, xã hội trên địa bàn thì tập thể Ủy ban nhân dân có thể thảo luận tập thể để quyết định có thu hồi đất đối với tổ chức, cá nhân nào đó hay không. Trong trường hợp này, nếu đa số thành viên Ủy ban nhân dân quyết định việc thu hồi đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ thay mặt Ủy ban nhân dân ký quyết định thu hồi”, có nghĩa là ngay cả khi việc thu hồi đất là phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến đời sống chính trị, xã hội trên địa bàn thì Chủ tịch vẫn có quyền quyết định vì có thể căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND. Bên cạnh đó, ranh giới để xác định xem việc thu hồi đất thế nào là phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến đời sống chính trị, xã hội trên địa bàn cũng không cụ thể, không có tiêu chí để xác định. Nói cách khác, trong mọi trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân đều có quyền thu hồi đất.

Dưới góc độ lý luận, quyết định hành chính là quyết định mang tính quyền lực nhà nước. Tính quyền lực nhà nước được thể hiện ở ngay hình thức của quyết định, chỉ có cơ quan nhà nước mới được đơn phương đưa ra các quyết định pháp luật xuất phát từ lợi ích chung. Tính quyền lực của quyết định hành chính còn thể hiện ở nội dung và mục đích của quyết định. Quyết định hành chính luôn thể hiện tính mệnh lệnh rất cao nên tính quyền lực nhà nước còn thể hiện ở tính bảo đảm thi hành của quyết định. Chính vì vậy, thẩm quyền của cá nhân, tổ chức được ban hành quyết định hành chính là rất quan trọng, tránh việc lạm quyền.

Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 đã có hiệu lực pháp luật, theo quy định tại Điều 66 về thẩm quyền thu hồi đất đã bãi bỏ quy định về việc cấm ủy quyền, nhưng so với bản dự thảo luật quy định thẩm quyền thu hồi đất thuộc về Chủ tịch UBND, điều này chứng tỏ rằng Quốc hội vẫn xem quyền thu hồi đất thuộc về UBND. Nguyên tắc áp dụng áp pháp luật của nước ta là thống nhất trên cả nước từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, cần xem xét lại giá trị của quyết định hành chính khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhân danh Chủ tịch để ký trong khi thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân nhằm tránh gây chồng chéo trong việc thực thi quyền lực của nhà nước và cũng là thống nhất việc áp dụng luật trên phạm vi toàn quốc. Tránh tình trạng ở huyện này, tình này thì Chủ tịch nhân danh mình ký quyết định thu hồi đất còn ở huyện khác, tỉnh khác thì Chủ tịch Ủy ban thay mặt Ủy ban để ký quyết định.

Dù biết rằng, chế độ lãnh đạo tập thể đòi hỏi phải họp nhiều để bàn bạc, thống nhất, có trường hợp gây lãng phí thời gian và không kịp thời giải quyết một số việc, nhất là những việc có tính cấp bách, cần thiết. Nhưng theo quan điểm của người viết, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 127, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là điểm hạn chế gây khó khăn trong việc phân định sự rạch ròi giữa thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!