Chúng ta đã ra quyết định như thế nào?

Leave a Comment
Nguồn ảnh: Vietnamplus

         Trước hết, tôi không phải là một nhà Tâm lý học, tôi không học chuyên ngành tâm lý và tôi cũng không có một công trình nghiên cứu nào về Tâm lý học. Tất cả những gì tôi viết trong bài này chỉ đơn giản là những gì tôi nhận thức được sau khi đọc các sách, báo và bằng trải nghiệm cuộc sống của chính tôi. Các bạn có thể tin và không tin những gì tôi viết nhưng xin đừng hỏi tôi căn cứ vào đâu để viết như thế, tôi không trả lời được đâu.

           Tôi dự kiến sẽ viết bài về vấn đề này sau khi tôi đọc xong cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm – Nên hay không nên tin vào trực giác” của tác giả Daniel Kahneman – Giải Nobel kinh tế năm 2002, nhưng cuối cùng tôi quyết định sẽ viết quan điểm của mình trước khi đọc sách, để sau khi đọc xong tôi xem thử mình và ông Daniel có giống nhau không (hoàn toàn không có ý đánh giá ngang bằng giữa tôi và ông Daniel).

           Mỗi người trong chúng ta luôn phải đưa ra rất nhiều quyết định làm hay không làm một việc gì đó, bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình lại đưa ra quyết định như vậy? Tôi đã nhiều lần tự hỏi bản thân mình như vậy, và trong bài viết này là câu trả lời về cơ chế ban hành quyết định của con người (ít nhất là đúng với chính tôi).

         Trước hết, tôi cho rằng quá trình hình thành nhân cách của con người cũng chính là quá trình xây dựng một “cở sở dữ liệu” về cuộc sống của người đó. Đây là một quá trình phức tạp và liên tục có sự phủ định. Ví dụ, lúc tôi học cấp 3, tôi nghĩ rằng người yêu của tôi phải là một người phụ nữ đẹp, cư xử tinh tế, có học thức… nhưng trải qua một quãng thời gian học đại học và đi làm tôi nhận ra rằng người yêu của tôi chỉ cần đơn giản là một người phụ nữ  và trời mưa biết vào nhà là được.

         Thật ra, quá trình xây dựng “cơ sở dữ liệu” của một con người xuyên xuốt quá trình chúng ta sống nhưng thời điểm căn bản là giai đoạn trẻ thơ (tôi không thể đưa ra một con số về độ tuổi cụ thể) ở giai đoạn này chúng ta gần như chỉ thu nạp và chưa có cơ sở dữ liệu để đối chiếu để loại bỏ dữ liệu không cần thiết, chúng ta nhận biết được sự việc thông qua “lăng kính” của người khác (không phải ngẫu nhiên mà nói “gia đình là xã hội đầu tiên của một người”) đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nhật ký trong tù).

         Sau khi có được cơ sở dữ liệu ban đầu, quá trình tiếp nhận thông tin của bạn diễn ra nhanh hơn (có lẽ trùng với lúc bạn dậy thì), bạn bắt đầu có sự độc lập trong tiếp nhận thông tin, bạn hình thành nên góc nhìn của riêng mình, bạn đánh giá thông tin được tiếp nhận, thông qua đó bạn bắt đầu có sự phủ định khi thông tin cũ được bạn cho là không phù hợp nữa. Như trong ví dụ về hình mẫu người yêu của tôi đã bị thay đổi theo thời gian.

           Và bây giờ đến lúc để nói về cơ chế ra quyết định của chúng ta. Khi bạn đang lưu thông trên đường, gặp đèn đỏ bạn dừng lại. Vậy, bạn đã ra một quyết định, trong trường hợp này là “dừng lại”, để có được quyết định này não bộ của bạn đã trải qua một quá trình xử lý thông tin như sau: Đầu tiên là sự tiếp nhận thông tin từ bên ngoài (đèn tín hiệu giao thông màu đỏ đang sáng), não bộ sẽ phân tích đối chiếu với các dữ liệu mà nó có được để cuối cùng đưa ra một quyết định mà tại thời điểm đó nó cho là hợp lý nhất. Nếu bạn không dừng lại mà tiếp tục di chuyển thì đấy cũng là một quyết định sau khi có sự đối chiếu với cơ sở dữ liệu có sẵn trong đầu và ra quyết định bạn cho là có lợi nhất cho bạn, còn việc bạn vượt đèn đỏ gây ra tai nạn rồi bạn hối hận thì việc hối hận sau này không phủ định đi nhận thức tối ưu của bạn tại thời điểm mà bạn ra quyết định lựa chọn.

          Việc ra quyết định nhanh hay chậm, tốt hay không tốt phụ thuộc rất lớn vào cơ sở dữ liệu mà bạn đã xây dựng.

          Não bộ con người là một sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa, nhưng tiếc thay chúng ta đang hủy hoại nó như cách ta đang hủy hoại tự nhiên, chúng ta hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya…. Chúng ta lờ những thói quen ảnh hưởng xấu đến não bởi đơn giản quá trình dẫn đến hậu quả không phải là ngay lập tức.

           Nếu so sánh với cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” thì bài viết này của tôi còn không đủ về độ dài để so sánh với “lời nói đầu” của tác giả, tôi viết bài này trước khi đọc chỉ đơn giản là để tôi nhận thấy được sự thay đổi trong cơ sở dữ liệu của bản thân trước và sau khi đọc.

           Chúc mọi người luôn có những quyết định mà sau này không phải hối hận, mặc dù luôn có những quyết định mà bạn sẽ hối hận nhưng nếu được làm lại bạn vẫn phải làm thế.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!