Có hay không việc “sở thích của tôi” cao quý hơn “sở thích của bạn” ?

3 comments
Nguồn: Internet
         Chắc hẳn hầu hết chúng ta còn nhớ việc một bạn nam khóc khi thấy thần tượng ca sĩ Hàn Quốc khi qua Việt Nam, rất nhiều người bày tỏ sự “coi thường” và dùng những lời lẽ không mấy thiện cảm giành cho chàng trai này khi anh ta khóc vì vui sướng khi gặp thần tượng mà mình yêu thích. Tuy nhiên, ở một sự kiện khác một chàng trai chạy bộ nhiều km chỉ để được nhìn các tuyển thủ của câu lạc bộ Arsenal khi câu lạc bộ này đến Việt Nam nhưng khác với trường hợp của bạn trên, anh chàng này không chỉ được báo chí trong nước ca ngợi mà cả báo chí nước ngoài, bỗng chốc trở thành người nổi tiếng. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

          Tôi thấy không có gì khác biệt cả, bạn nam khóc vì gặp được ca sĩ thần tượng, chàng trai kia chạy bộ nhiều km cũng chỉ để nhìn lâu hơn chút những cầu thủ yêu thích của mình. Có gì khác biệt đâu ? Hay bạn cho rằng khóc là sự yếu đuối, ẻo lã không tương xứng với một nam nhi (mà thật ra anh này có phải nam nhân không thì tôi không biết), còn chạy bộ thể hiện tinh thần yêu thể thao, thể hiện sức mạnh, sự mãnh mẽ?

          Thật ra tôi nêu hai trường hợp trên chỉ để minh họa cho vô số sự so sánh về việc “tôi thích cái này, cái này đẳng cấp hơn cái kia mà bạn thích”.

          Trước khi đi vào phần bình luận cá nhân tôi xin nói rõ để các bạn có thể hiểu hơn, “sở thích” mà tôi đang bàn đến là xuất phát từ sự thích thú tự thân của một người, không bị tác động bởi các yếu tố khác buộc họ phải thích cái này mà không phải cái khác. Ví dụ, bạn cho rằng vì tôi không đủ tiền để đi lai rai với bạn bè nên mới ngồi đây viết vớ vẫn chứ không phải vì tôi thích viết blog, hay nói cách khác tôi thích viết blog bởi lẽ tôi không đủ điều kiện về tài chính hay các điều khiện khác nói chung để có những sở thích khác. Trường hợp này tôi không bàn đến mà tôi chỉ bàn đến việc “tôi thích viết blog hơn những cái khác bởi lẽ cho dù có điều kiện thì tôi vẫn thích viết blog hơn”.

          Tôi xin khẳng định quan điểm của tôi thế này “Mọi sở thích đều ngang nhau, không có sở thích nào tốt hơn, đẳng cấp hơn… sở thích nào”. Tại sao lại như vậy?

          Lionel Andrés "Leo" Messi – cầu thủ bóng đá hàng đầu thế giới hiện nay – có thiên phú về khả năng chơi bóng, anh ta đam mê với trái bóng và anh ta cảm thấy hạnh phúc khi được chơi bóng.

          Tôi thích xem nhạc K-pop, tôi cảm thấy hạnh phúc khi xem các cô ca sĩ nóng bỏng mặc đồ thiếu vải nhún nhảy và hát cái gì đó mà tôi chả hiểu, mà thực tế thì tôi cũng chả cần hiểu. Tôi chỉ biết rằng tôi cảm thấy hạnh phúc khi xem các cô ca sĩ ấy hát thế là được.

          Nhưng tại sao nhiều người lại cho rằng việc Messi đam mê bóng đá thì được coi trọng (tôi không bàn đến sự thành công của anh ta, bạn nên chú trọng vào trọng tâm là “sở thích bóng đá” chứ không phải là tầm ảnh hưởng của anh chàng Messi mà tôi vu vơ chọn) hơn là việc tôi thích xem nhạc K-pop của mấy cô nàng gợi cảm. Trong khi việc chơi bóng của Messi mang lại niềm hạnh phúc cho anh ấy, còn việc xem nhạc K-pop mang lại hạnh phúc cho tôi.

          Có khi nào bạn cho rằng hạnh phúc của Messi là quan trọng hơn hạnh phúc của tôi không? Nếu bạn nghĩ như thế là sai lầm, vì thuyết vị lợi không thể áp dụng cho sự hạnh phúc và mạng sống con người được. Thuyết vị lợi chỉ đúng đối với những gì có thể quy ra tiền (vật chất), còn bạn hỏi ai, người nào nói như thế thì tôi trả lời cho bạn rằng đó là người đang viết bài này nói thế (để bàn để đến chủ nghĩa (thuyết) vị lợi thì đó là một câu chuyện dài mà tôi sẽ không đề cập trong bài viết này).

          Để chứng minh rằng “giá trị hạnh phúc của Messi” và “giá trị hạnh phúc của tôi” là ngang bằng nhau, tôi sẽ trình bày một số luận điểm sau nhưng trước hết bạn vui lòng nhớ cho rằng tôi đang bàn đến khía cạnh bình đẳng của con người chứ không đề cập đến tấm ảnh hưởng của Messi nhiều hơn của tôi nhé.

          “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1945), chúng ta có thể thấy rằng mỗi người đều có quyền tự do trong việc lựa chọn những gì mình thích miễn sao không vi phạm pháp luật. Không ai có quyền ép buộc người khác phải thích một thứ mà người đó không muốn. Như vậy, tôi và Messi đều có quyền tự do lựa chọn sở thích của riêng mình.

           Niềm vui, sự hạnh phúc của tôi cũng giống như niềm vui, sự hạnh phúc của Tổng thống Obama. Nếu bạn cho rằng ông Obama hạnh phúc thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn vì những quyết định của ông ấy, còn tôi vui hay buồn cũng chả ảnh hưởng đến bữa ăn sáng ngày mai của bạn. Đúng là như thế, nhưng bạn đang hiểu sai vấn đề vì bạn đang quan tấm đến hệ lụy kéo của việc ông Obama và tôi vui hay buồn, nhưng tôi đang bàn về việc quyền được hạnh phúc của tôi cũng ngang bằng với ông Obama, ít nhất là về mặt lý thuyết. Cũng giống như Obama, tầm ảnh hưởng của Messi là lớn hơn của tôi rất nhiều nhưng không phải vì thế mà giá trị hạnh phúc của anh ta lớn hơn của tôi.

          Thực tế thì tôi không đồng tình lắm với thuyết vị lợi của Jeremy Bentham (1748 – 1832) và cả John Stuart Mill nhưng ít nhất tôi hoàn toàn đồng ý Bentham với quan điểm tất cả sở thích đều bình đẳng, không phân biệt được phẩm chất của niềm vui và quá tự phụ khi đánh giá một hạnh phúc có bản chất tốt hơn một hạnh phúc khác. Và với Mill khi ông cho rằng việc cho phép số đông áp đặt ý chí lên nhóm thiểu số sẽ làm cho xã hội ngày càng tệ hơn.

          Một cách không liên quan, Charles Darwin và Alfred Wallace đã chứng minh rằng đột biến và dị biến là nguyên liệu quan trọng trong quá trình tiến hóa. Không quá khập khiễng khi liên tưởng đến việc tôi đang bàn đến đó là sự tự do trong việc lựa chọn sở thích của mỗi người miễn là không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và pháp luật sẽ làm cho cuộc sống này trở nên tốt hơn.
Nói tóm lại, tất cả sở thích đều bình đẳng, bạn thích nghe nhạc thính phòng, tôi thích xem K-pop, bạn thích đọc sách triết học Plato, tôi thích đọc tạp chí lá cải.

          Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, các bạn vui lòng có những sở thích mang tính tích cực, còn thế nào là "sở thích tích cực" thì cộng đồng mạng sẽ gánh vác việc giải thích nội hàm!!

3 nhận xét:

  1. ừ... tớ cũng nghĩ vậy.

    tuy nhiên, người ta luôn khuyến khích điều tốt đẹp - mà phần đông người cho là thế, đồng thời hạn chế bớt điều ít tốt đẹp hơn - theo quan điểm của nhiều người.

    sở thích thì của mỗi người, nhưng khi nó biến thành một xu-thế thì quả là đang sợ, thử hỏi 108 thằng con trai sinh ra đời, hết tám chục thằng khóc vì gặp trai nước ngoài thì chắc chết ;)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. " hết tám chục thằng khóc vì gặp trai nước ngoài thì chắc chết", cái cần quan tâm ở đây là "giọt nước mắt" rơi vì cái gì !? Mình không dám chắc là nếu bây giờ mình được ôm Eminem, chụp hình chung với Linkin Park thì không biết là mình có khóc không nữa :)

      Xóa
  2. sở thích của người này không hơn sở thích của người kia. trừ khi sở thích của người kia là xấu. khi một thứ là xấu thì không cần đặt câu hỏi "vì sao nó xấu?". các sở thích được đưa ra trong bài chưa có cái nào xấu cả.

    Trả lờiXóa

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!