Có hai người bị kiện trong cùng một vụ án hành chính?

Leave a Comment
Tình huống: “Ủy ban nhân dân huyện A ban hành Quyết định hành chính số 01/QĐ-UBND đối với ông Nguyễn Văn B, không đồng ý với Quyết định hành chính trên ông Nguyễn Văn B khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A. Sau khi thụ lý giải quyết khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-GQKN với nội dung hủy bỏ một phần Quyết định số 01/QĐ-UBND.

Không đồng ý với cả hai quyết định nêu trên, ông Nguyễn Văn B khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện A với yêu cầu hủy bỏ hai quyết định trên.

Xác định người bị kiện trong trường hợp này?”
 
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính, được hướng dẫn thi hành tại Điều 2 Nghị quyết 02/NQ-HĐTP thì người bị kiện của Quyết định hành chính số 01/QĐ-UBND là Ủy ban nhân dân huyện A; còn người bị kiện của Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-GQKN là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A. Như vậy, có hai quyết định liên quan trực tiếp đến nhau, nhưng thẩm quyền ban hành lại là hai chủ thể khác nhau. Không thể áp dụng điều 33 Luật Tố tụng hành chính cũng như Điều 7 Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP để tách vụ án trong trường hợp này vì các quyết định hành chính chỉ liên quan đến một người khởi kiện và quyền lợi của người khởi kiện trong các quyết định hành chính trên là đồng nhất.

Thứ hai, quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-GQKN chỉ hủy bỏ một phần quyết định hành chính ban đầu (Quyết định số 01/QĐ-UBND) chứ không hủy bỏ hay thay thế toàn bộ nên phần còn lại của quyết định hành chính ban đầu vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, cần phải xem xét tới tính quyền lực của hai quyết định nêu trên, quyết định giải quyết khiếu nại có thể hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính nếu trong quá trình giải quyết khiếu nại xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy trình hay nội dung ban hành. Như vậy, mặc dù theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì Ủy ban nhân dân có thẩm quyền lớn hơn Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhưng nếu xem xét dưới góc độ của Luật Khiếu nại thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể điều chỉnh hoặc thậm chí là hủy bỏ một quyết định hành chính được ban hành bởi Ủy ban nhân dân, nói cách khác các quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Luật Khiếu nại theo hướng quy trách nhiệm về cho người đứng đầu, chính vì vậy trong trường hợp này Chủ tịch là người có quyền “cao” hơn Ủy ban nhân dân.

Thứ ba, mặc dù quyết định giải quyết khiếu nại chỉ hủy bỏ một phần quyết định hành chính ban đầu, các nội dung khác vẫn có hiệu lực nhưng trong quá trình giải quyết khiếu nại Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã rà soát toàn bộ quyết định hành chính từ quy trình đến nội dung, chính vì vậy mặc dù phần còn lại không bị hủy bỏ, thay thế hay bổ sung bởi quyết định giải quyết khiếu nại nhưng nó đã được đề cập và bao quát bởi quyết định giải quyết khiếu nại. Chính vì vậy, nếu quyết định giải quyết khiếu nại bị hủy bỏ thì đồng nghĩa với việc phần quyết định hành chính ban đầu được công nhận bởi quyết định giải quyết khiếu nại phải bị hủy bỏ.

Từ những lập luận nêu trên, tôi cho rằng trong trường hợp này đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại chứ không phải là quyết định hành chính ban đầu.

Một tình huống khác, trong quá trình khởi kiện Quyết định hành chính số 01/QĐ-UBND, ông Nguyễn Văn B phát hiện ra rằng bà Nguyễn Thị C đã từng khiếu nại quyết định hành chính trên và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo đó hủy bỏ một phần Quyết định hành chính số 01/QĐ-UBND nên ông Nguyễn Văn B bổ sung yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện A phải hủy bỏ luôn quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A đối với Quyết định số 01/QĐ-UBND của bà Nguyễn Thị C.

Theo tôi trong trường hợp này, Tòa án nhân dân huyện A phải đình chỉ vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn B đối với Quyết định hành chính ố 01/QĐ-UBND đồng thời hướng dẫn ông Nguyễn Văn B khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A đối với bà Nguyễn Thị C.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!