Cách đây khá lâu, tôi từng suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện lãi suất trong các hợp đồng cho vay tài sản trong các giao dịch dân sự giữa các cá nhân với nhau. Tôi cũng đã rất ngạc nhiên khi biết rằng nếu trong hợp đồng vay tài sản mà các bên thỏa thuận lãi suất vượt quá mức quy định nếu có tranh chấp Tòa án sẽ đưa về mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, tôi nghĩ điều đó không đúng cho đến khi tôi nghiên cứu lại khoản 2 Điều 476 Bộ luật dân sự:
Viện dẫn lại quy định trên:
Điều 476. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Khi các bên thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng cho vay tài sản thì thỏa thuận đó sẽ có hai phần, một là hợp đồng có lãi suất và hai là mức lãi suất, nếu việc thỏa thuận mức lãi suất cao hơn quy định tại khoản 1 (150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố) thì thỏa thuận này bị vô hiệu do vi phạm quy định của pháp luật, nhưng thỏa thuận về việc hợp đồng cho vay có lãi suất vẫn có hiệu lực do đó khoản 2 Điều 476 sẽ phát huy tác dụng đó là có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và lãi suất được áp dụng trong trường hợp này là mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố.
Như vậy, việc đưa lãi suất về mức quy định là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và qua bài viết này tôi xin trình bày một vài quan điểm cá nhân về vấn đề này,
Trước hết, tôi mời các bạn thực hiện một "chuyến du lịch" xuyên thời gian và không gian đến bang Florida của Mỹ vào năm 2004, khi siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương. Cơn bão không chỉ làm 22 người cheets và tổn thất 11 tỷ USD mà còn gây ra một cuộc tranh luận về giá cắt cổ (Justice, what's the right thing to do - Micheal Sandel)
Giá cả tất cả các mặt hàng đến dịch vụ đều tăng chóng mặt từ vài lần đến hàng chục lần giá bình thường, và người dân đã rất giận dữ vì việc này, người ta coi đây là hành động kiếm tiền trên sự tuyệt vọng của người khác.
Nhưng những người buôn bán họ không coi việc nâng giá là vi phạm đạo đức bởi lẽ họ không ép buộc người dân phải mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ của họ, giao dịch dân sự được ra hoàn toàn dựa trên sự tự do thỏa thuận và giá cả được hình thành dựa trên nguyên tắc cung - cầu của thị trường tự do. Thực tế, những người sở hữu hàng hóa cũng không biết khi nào thì cơn bão mới qua đi và các mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ được vận chuyển bình thường trở lại do vậy việc họ bán đi nguồn hàng dự trữ của mình cho người khác cũng là giảm bớt đi một phần cái mà họ cũng cần trong điều kiện bão và họ cũng cho rằng với giá cao như thế có thể tạo ra một sự thu hút đối với những nhà cung cấp sản phẩm nhằm thúc đẩy họ cung cấp thêm sản phẩm đến Florida.
Cuối cùng thì câu hỏi đặt ra là "Giao dịch trên có thực sự được thực hiện trên tinh thần tự nguyện và tự do thỏa thuận" hay không khi mà cả bên mua và bên bán đều không thể có được những thông tin cần thiết về sự thay đổi trong tương lai?
Quay lại câu chuyện về lãi suất của chúng ta, lý do khiến hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân trong đời sống xã hội phát triển mạnh là vì tồn tại nhu cầu vay tiền mà họ không thể đáp ứng được các quy định của Ngân hàng về tài sản thế chấp, hay có nguồn thu nhập ổn định để vay tín chấp... Và trong tình trạng bí bách về mặt tài chính khiến họ chấp nhận trả một mức lãi suất "trên trời" để có tiền phục vụ cho nhu cầu nào đó có tính cấp bách.
Chúng ta có thể thấy rằng bên vay gặp bí bách về mặt tài chính và không thể thực hiện việc vay vốn tại Ngân hàng thương mại vì nhiều lý do, còn bên cho vay phải chấp nhận rũi ro không thể thu hồi lại số tiền mình đã cho vay. Chính vì vậy việc thỏa thuận lãi suất cao hơn quy định là điều mà bên cho vay xem đó như là chi phí "bảo hiểm" đối với rũi ro mình sẽ gặp phải.
Nhưng thực tế nhiều người đã áp dụng một mức lãi suất mà ta hay gọi là "cắt cổ" để kiếm tiền trên sự bí bách tài chính của người khác, điều này liệu có phù hợp về mặt đạo đức? Và mức lãi suất nào là hợp lý cho việc họ đánh đổi sự mạo hiểm đối với tài sản của mình cho những cá nhân không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng?
Trước hết ta tìm hiểu về cái gọi là "Chi phí cơ hội" trong kinh tế học:
Chi phí cơ hội của một lựa chọn thay thế được định nghĩa như chi phí do đã không lựa chọn cái thay thế "tốt nhất kế tiếp".
Chi phí cơ hội là một khái niệm hữu ích được sử dụng trong lý thuyết lựa chọn. Nó được vận dụng rất thường xuyên và rộng rãi trong đời sống kinh tế. Chi phí cơ hội dựa trên cơ sở là nguồn lực khan hiếm nên buộc chúng ta phải thực hiện sự lựa chọn. Lựa chọn tức là thực hiện sự đánh đổi, tức là để nhận được một lợi ích nào đó buộc chúng ta phải đánh đổi hoặc bỏ qua một chi phí nhất định cho nó. Như vậy, chi phí cơ hội của một phương án được lựa chọn là giá trị của phương án tốt nhất bị bỏ qua khi thực hiện sự lựa chọn đó (và là những lợi ích mất đi khi chọn phương án này mà không chọn phương án khác; Phương án được chọn khác có thể tốt hơn phương án đã chọn).
Bên cho vay đã chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho bên vay, họ đã mất đi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ tài sản đã cho vay chính vì vậy lãi suất là khoản bù đắp cho chi phí cơ hội đó. Nhưng tại sao lại phải căn cứ vào lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước công bố?
Tôi không bàn luận đến khí cạnh "mức lãi suất cơ bản nào là hợp lý" vì vấn đề này là của các chuyên gia tài chính chứ không phải của tôi. Cái tôi cần ở lãi suất cơ bản này là "tổn thất nhìn thấy được" nghĩa là khi tôi cho bạn vay tài sản của tôi thì cả bên vay và bên cho vay đều thấy được rằng bên cho vay đã mất đi số tiền mà bên cho vay có thể có được khi gửi tài sản (tiền, vàng...) vào ngân hàng và hưởng lãi suất theo quy định.
Và để tôi (bên cho vay) không lựa chọn Ngân hàng để gửi tiền mà cho bạn (bên vay) vay tài sản của mình chính là mức lãi suất phải cao hơn và đủ hấp dẫn để tôi mạo hiểm đầu tư tài sản của mình vào hợp đồng cho vay tài sản với bạn chứ không phải là hợp đồng gửi tiền vào ngân hàng.
Vậy, theo tôi có hai giá trị trong lãi suất của hợp đồng vay tài sản đó là chi phí cơ hội của bên cho vay và chi phí bảo hiểm cho tài sản có thu hồi được hay không từ bên vay tài sản. Vấn đề nằm ở chổ "bao nhiêu thì hợp lý"?
Tôi không biết các nhà làm luật quy định mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên (khoản 1 Điều 163 Bộ luật hình sự quy định về tội cho vay nặng lãi) là dựa trên cơ sở lý luận nào và cũng không hiểu tại sao lại tồn tại một khoảng cách quá xa giữa lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự 1,5 lần và mức lãi suất vi phạm quy định của Bộ luật hình sự là 10 lần!?
Chính vì sự hạn chế trong hiểu biết như vậy nên tôi không thể trả lời nổi câu hỏi "bao nhiêu là hợp lý" mà tôi đã đặt ra ở trên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!