Xét xử lưu động: Tiếp tục hay dừng lại? (Phần 01)

Leave a Comment


            Sau khi vụ án giết 06 người ở tỉnh Bình Phước được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử lưu động, đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng phản đối hình thức xét xử lưu động, tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên nhưng là rầm rộ nhất. Tôi không có ý kiến gì về việc tiếp tục hay dừng lại hình thức xét xử lưu động, tôi chỉ quan tâm đến lý lẽ mà người phản đối đưa ra có thuyết phục để dừng lại hay chưa!? Rất đơn giản, bạn muốn phản đối một việc đã và đang diễn ra thì bạn phải đưa ra lập luận và chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại của việc đó là ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng, đi ngược lại với sự phát triển của xã hội.
 
            Đến nay, lập luận mà tôi hoàn toàn ủng hộ đó là quan điểm của ông Ngô Cường - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao, quan điểm của ông Ngô Cường cho rằng "Tòa án không phải là cơ quan tuyên truyền pháp luật, nhiệm vụ của Tòa án ra bản án đúng người đúng tội để người ta tin vào công lý". Tất nhiên, nếu chỉ là lý do này thì không đủ để chấm dứt hình thức xét xử lưu động bởi lẽ "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

 
            Sau đây, tôi xin trình bày ý kiến của mình đối với một vài lập luận phản đối hình thức xét xử lưu động khác:

 
            1. Cha mẹ của bị cáo bị ảnh hưởng bởi hành vi của con cái họ cho dù con cái của họ đã thành niên.

             Đầu tiên, tôi muốn hỏi các bạn rằng: "Tôi có phải chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi của người khác gây ra?", tôi tin rất nhiều người sẽ trả lời là "Không, thật vô lý khi tôi phải chịu trách nhiệm về một việc mà tôi không làm". Vâng, hoàn toàn đúng là vậy nhưng... Hãy khoan, thế thì tại sao người Nhật cho đến nay phải xin lỗi Hàn Quốc, Trung Quốc về tội ác mà cha ông họ đã thực hiện trong thế chiến thứ hai, người Úc phải xin lỗi thổ dân vì đã chiếm đất và đối xử tàn nhẫn với người bản xứ, người Mỹ phải xin lỗi người Mỹ gốc Phi về chế độ nô lệ và thời đại phân biệt chủng tộc Jim Crow, nước Đức phải xin lỗi thế giới về tội ác đã diễn ra trong thế chiến thứ hai? Tôi thừa nhận rằng đa số lời xin lỗi đều nhuốm màu sắc chính trị hơn là sự chân thành của người xin lỗi. 
             Nhiều người đã lên tiếng mong muốn chấm dứt hành vi xin lỗi này như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng quân đội Nhật Bản không phải chịu trách nhiệm về hành vi ép phụ nữ làm nô lệ tình dục, và Nhật Bản đã xin lỗi đủ... Thủ tướng Úc John Howard cho rằng "Tôi không tin rằng thế hệ người Úc hiện nay phải chính thức xin lỗi và chịu trách nhiệm về hành động của thế hệ trước", Nghị sĩ đảng Cộng hòa, Mỹ, ông Henry Hyde cho rằng "Tôi không bao giờ sở hữu một nô lệ, không bao giờ áp bức bất kỳ ai. Tôi không biết có nên trả bồi thường hộ cho ai đó (đã sở hữu nô lệ) ở các thệ hệ trước khi tôi sinh ra!?". Hầu hết những lập luận này dựa trên một nền tảng lý luận đó là "chủ nghĩa cá nhân về đạo đức" nghĩa là tôi không chịu trách nhiệm đối với hậu quả bị gây ra bởi một hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Nếu như bạn ủng hộ lý lẽ này thì bạn đừng nên phản đối mà nên ủng hộ Chính phủ nước ta vay ODA nhiều hơn nữa, vì đơn giản khi thế hệ sau lớn lên họ đâu phải chịu trách nhiệm về những nguồn tiền vay ODA do thế hệ trước đã nhận!? 
             "Không thể nói như thế, vì ODA là nguồn vốn vay sử dụng để phát triển kinh tế hạ tầng cho sự phát triển của đất nước, chúng tôi là thế hệ sau được thừa hưởng những thành quả đó thì phải có trách nhiệm trả nợ", đúng là như thế bây giờ tôi xin giới thiệu đến các bạn một bộ phim của hãng Amazon có tựa đề "The Man in the hight castle" (tạm dịch sang tiếng Việt theo nghĩa của bộ phim "Thế giới khác"), trong bộ phim này đạo diễn đã xây dựng một xã hội mà ở đó phe pháp xít đã chiến thắng trong thế chiến thứ hai và tất nhiên các nước Đức, Ý, Nhật là cường quốc nắm quyền thống trị thế giới, vậy người Nhật, người Đức có cần xin lỗi ai không về tội ác của họ? Không, họ có cảm thấy vui vì thế hệ trước đã gây ra cuộc chiến thế giới thứ hai không? Tất nhiên là có.
             Vậy, nếu bạn nhận thành quả mà thế hệ trước tạo nên thì hậu quả (thất bại) bạn phải chịu trách nhiệm. Nhưng tại sao người Mỹ, người Úc... họ đã chiến thắng thổ dân nhưng phải xin lỗi!? Vì thành quả mà người Mỹ, người Úc hiện nay có được là từ việc xâm chiếm đất đai mà thổ dân là người khai phá và sử dụng trước. Bên cạnh đó, họ còn dùng vũ lực và đối xử dã man với thổ dân. Chính vì vậy, xin lỗi và bồi thường như là một hành động mang tính đạo đức để giải phóng phần nào trách nhiệm về mặt tinh thần của họ đối với thổ dân về hành vi của cha ông họ đã thực hiện mà thành quả họ đang hưởng là từ những hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức hiện nay.
             Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của một con người (tôi tạm bỏ qua trường hợp trẻ mồ côi), cha mẹ có trách nhiệm giáo dục và nuôi dưỡng con cái của mình (kể cả con nuôi). Trách nhiệm giáo dục con cái đầu tiên và phần lớn là thuộc về cha mẹ của chúng, sau đó là của Nhà nước và cuối cùng là xã hội. Vì đơn giản nếu tôi thành tài, sống có đạo đức thì người được lợi đầu tiên chính là gia đình tôi, sau đó là Nhà nước vì tôi kiếm được nhiều tiền sẽ đóng thuế nhiều cho Nhà nước và cuối cùng là cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Vậy, khi tôi là "một sản phẩm lỗi" xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng thì cha mẹ tôi phải chịu trách nhiệm cho dù tôi đã đủ 18 tuổi, trách nhiệm ở đây không phải là trách nhiệm theo quy định của pháp luật, mà trách nhiệm trước xã hội, trước cộng đồng vì đã tạo ra "một sản phẩm lỗi".
              "Không, tôi nuôi con vì đó là đạo lý làm cha làm mẹ chứ không phải mong con cái báo đáp lại mình". Vâng, sinh con và nuôi dạy con cái không chỉ là nghĩa vụ mà đó còn là một niềm hạnh phúc thiêng liêng của con người, khi chúng ta sinh ra con cái thì phải chịu trách nhiệm về việc giáo dục con cái, không thể cứ cho rằng qua 18 tuổi là tôi không còn phải chịu trách nhiệm gì nữa vì nó đã thành niên và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về hành vi mình gây ra.
              Như ông bà đã dạy "con dại - cái mang"!
 
              Điều này lại nhắc tôi nhớ đến cái tai nghe (headphone) của tôi mua cách đây một năm, thời hạn bảo hành là một năm. Hết một năm bảo hành, cái tai nghe của tôi hư và tôi đành chịu vì đã hết bảo hành.
            

              Phần 02: Trẻ em dưới 16 tuổi dự phiên tòa, lỗi do ai?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!