Khen - Chê: Đón nhận như thế nào cho đúng?

Leave a Comment
Nguồn: Internet
Chúng ta phải thừa nhận rằng, trong cuộc sống không ai có thể toàn vẹn, hoàn hảo được, lý do không phải là vì mỗi người không ít thì nhiều đều tồn tại những khuyết điểm mà đơn giản loài người như đưa ra được một chuẩn thống nhất về khái niệm thế nào là “một con người hoàn hảo”. Chính vì lẽ đó nên mỗi cá nhân chúng ta khi được sinh ra, lớn lên và chết đi đều trải qua cái cảm giác được khen, “được” chê. Và bạn đã bao giờ tự hỏi rằng “Tại sao khi được người khác khen người, tâng bốc chúng ta có xu hướng hạnh phúc hơn khi “được” chê?”

Tôi cho rằng khi chúng ta được khen, lời khen đó là minh chứng cho việc thừa nhận, ghi nhận sự vượt trội của chúng ta so với những người khác như thông minh, xinh đẹp, tài giỏi… Nó làm cho bạn có cảm gác vị thế của mình được nâng lên, làm thỏa mãn nhu cầu được kính trọng, kính mến (Esteen) và ngược lại khi nhận những lời chê bai, những lời có chứa nhiều tính từ không tốt thì bạn sẽ cảm thấy ngược lại thậm chí bị ức chế, bị xem thường... Cho rằng vị thế của bạn về vấn đề đó không được kính trọng trong lòng người khác.

Tuy nhiên, ở đây tôi không muốn viết quá nhiều về câu chuyện bạn vui hay buồn khi được khen và bị chê vì tôi không phải là chuyên gia tâm lý cũng chả phải là Giáo sư sinh học. Điều tôi muốn chia sẻ với bạn là nhìn nhận một lời khen và một lời chê như thế nào để trách bị ảnh hưởng đến cuộc sống.

Tôi được nghe, được đọc rất nhiều lời khuyên hay về đối nhân xử thế, trong bài viết này tôi sẽ đề cấp câu nói mà tôi không rõ tôi nghe, đọc được từ đâu nên nội dung mà tôi viết sau đây đã qua lăng kính chủ quan của tôi vì thế nó không còn nguyên gốc như ban đầu nữa.

Trong cuộc sống, người khen ta đúng cái ta có là bạn ta, khen ta cái ta không có là kẻ hại ta. Chê ta đúng cái ta mắc phải là thầy ta và chê ta cái ta không có là kẻ ganh tỵ với ta

Đến nay loài người vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn hoàn hảo về “đạo đức” về “công bằng”, chính vì vậy mọi xét đoán hành vi mà chúng ta thực hiện hoặc không thực hiện đều dựa trên ý chí chủ quan của một người, một nhóm người mà cơ sở để họ đưa ra phán xét hành vi của chúng ta là dựa trên “cơ sở dữ liệu” và “lợi ích” của họ. Chính vì vậy, khi chúng ta nhận được những lời khen, lời chê của người khác điều đầu tiên là phải tự xét đoán lại điều đó có đúng với cái chuẩn làm người của ta không!?

Tất nhiên, mỗi người có một cái chuẩn sống riêng mà tôi vẫn gọi là “cơ sở dữ liệu của từng người” còn những người khác (có thể là bạn) thích dùng những thuật ngữ như “tính cách”, “tính tình”… Chính vì sự không trùng lắp và khác biệt giữa người với người trong việc phán xét một hành vi (ở trạng thái hành động hoặc không hành động) là đúng hay sai nên khi bạn tiếp nhận một lời khen hay chê thì phải thật tỉnh táo xem xét lại nó có hay không có phù hợp với chuẩn sống của mình.

Chính vì mỗi chúng ta thường tự cảm thấy hạnh phúc khi người khác khen mình nên thường có cái nhìn thiện cảm với những người khen và ác cảm với những người chê mình. Tuy nhiên, điều này đúng nếu như họ khen cái ta có và họ chê cái ta  có nhưng lỡ như điều ngược lại thì sao? Chúng ta kết thân, hữu hảo với một kẻ nịnh nọt và xa rời với một người thầy tốt, hậu quả là rất vô lường.

Ví dụ, mỗi chúng ta sinh ra đều không có quyền quyết định mình đẹp hay xấu (bỏ qua phẩu thuật thẩm mỹ) và trên thế giới này không ai có thể đưa ra được một cái chuẩn cụ thể, rõ ràng, chung cho tất cả mọi người để xét đoán một người là đẹp hay là xấu. Hầu hết chỉ là sự đánh giá của một cá nhân, một nhóm người chính vì vậy bạn không phải buồn khi bị chê xấu và cũng không nên quá tự hào khi được khen rằng mình đẹp. Một người hoặc vài người nào đó khen bạn đẹp với những lời có cánh, tâng bốc bạn lên nhiều hơn so với điều mà họ thực sự cảm nhận được về nhan sắc của bạn, có thể sẽ khiến bạn nghĩ rằng bạn đẹp hơn nhiều người, những người khác phải đề cao nhan sắc của bạn. Rồi một ngày không được đẹp trời cho lắm, bạn gặp tôi (hay ai đó vô duyên như tôi chẳng hạn),  tôi sẽ cho bạn biết bạn đẹp như thế nào. Tất nhiên, bạn sẽ cho rằng tôi ganh tỵ và đánh giá thấp về giá trị nhan sắc của bạn, nhưng nếu có nhiều “tôi” thì chắc chắn bạn sẽ xem xét lại và khi nhận ra rằng mình không đẹp như mình vẫn nghĩ, vị trí của mình trong suy nghĩ của người khác không cao như mình vẫn tưởng, chắc hẳn bạn có cảm giác bị hụt hẫng, nhìn lại những tháng ngày sống trên mây bạn cảm thấy nhục nhã. Vâng, sống quá lâu trong sự ảo tưởng đến khi đón nhận sự thật về giá trị thực sự của bản thân thì chắc chắn rất là khó khăn. Giống như thị trường chứng khoán, bất động sản phải gồng mình như thế nào sau khi bong bóng vỡ tan vậy.

Lời khen, chê tác động rất lớn đến tinh thần của mỗi chúng ta, chính vì vậy tôi hy vọng rằng bạn nên tỉnh táo khi tiếp nhận chúng. Và theo tôi, hãy làm những điều sau:

    1. Giá trị của lời khen, chê (ai là người có quyền quyết định hành vi của bạn là đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp)
    2. Nội hàm của lời khen, chê (có đúng với chuẩn của bạn hay không?)
    3. Bạn có nên thay đổi cho phù hợp hay không ? (Phát huy lời khen và hạn chế điểm bị chê)
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ rằng “Cuộc sống vốn dĩ phức tạp, bạn phải tạo lập cái chuẩn của riêng mình, tự tạo ra cái bất biến để chống lại cái vạn biến của xã hội”.
 
Một điều nữa về nhan sắc (tại vì đây là khía cạnh tôi đã sử dụng làm ví dụ ở trên), tôi muốn nói với bạn một điều rằng: "Nếu bạn nghĩ rằng mình xấu xí thì thế giới này không ai rãnh để đi chứng minh điều ngược lại" - Một người tự nhận mình đẹp trai nhất trái đất, hệ mặt trời, thiên hà, vũ trụ cho biết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!