Vụ án tàu Mignonette - Vụ án kinh điển chưa có lời giải.

Leave a Comment
Ảnh minh họa, nguồn: internet
Sau khi vụ khủng bố tại thành phố Paris của nước Pháp xảy ra, có rất nhiều vấn đề liên quan đến tính công bằng giữa con người với con người, có hay không sự phần phân biệt giữa việc mọi người trên thế giới phản ứng về cái chết của các nạn nhân trong vụ khủng bố tại thành phố Paris và cái chết của các nạn nhân trong các cuộc giao tranh tại các nước khác trên thế giới. 

Thật ra đây chỉ là lý do để tôi nhớ đến một vụ án kinh điển ở thế kỷ 19 mà đến nay vẫn chưa tìm ra được lập luận mang tính thuyết phục nhất để giải quyết vụ án. 


Câu chuyện đã được nhiều báo chí kể lại và tóm tắt như sau:

Tàu Mignonette trên đường đi từ Southampton tới Sydney, dự kiến tơi nơi ngày 19/5/1884. Thủy thủ đoàn có 4 người, Tom Dudley là thuyền trưởng, Edwin Stephens là thuyền phó thứ nhất, Edmund Brooks là thủy thủ. Tất cả đều có tính tình tuyệt vời. Thành viên thứ tư là một cậu nhóc làm trong cabin, Richard Parker 17 tuổi, một cậu bé mồ côi không gia đình. Và đây là hành trình dài đầu tiên của cậu bé. Cậu bé ra đi cho dù bạn bè của cậu ngăn cản không nên đi. Với hi vọng và tham vọng tuổi trẻ, cậu nghĩ rằng hành trình này sẽ khiến cho cậu trở thành người đàn ông đích thực.
Con tàu bị chìm ở Nam Đại Tây Dương, ngày 5/7/1884, cách mũi đất 130 dặm. Một cơn sóng to ập vào tàu và tàu Mignonette bị chìm. Bốn người trên tàu nương mình trên một chiếc thuyền cứu sinh không có nước ngọt. Thức ăn duy nhất là hai can củ cải ướp bảo quản. Trong ba ngày đầu họ không ăn gì, ngày thứ 4 họ khui một can củ cải để ăn. Ngày hôm sau họ bắt được một can củ cải khác và một con rùa. Con rùa giúp họ cầm cự thêm được vài ngày. Và tám ngày sau họ chẳng có gì. Không thức ăn. Không nước uống. Lúc đó, cậu bé Parker nằm dưới thuyền cứu hộ, cậu bị kiệt sức bởi không nghe lời của những người kia mà uống nước biển. Cậu đang chết từ từ.
Vào ngày thứ mười chín, thuyền trưởng Dudley đề nghị họ nên bốc thăm rằng ai sẽ hy sinh để cứu những người còn lại. Brooks từ chối, ông ta không thích ý tưởng bắt thăm và cuối cùng mọi người cũng không bắt thăm.
Ngày hôm sau, họ không nhìn thấy tàu bè nào cả. Vì vậy, Dudley bảo Brooks nhìn đi chỗ khác và ra hiệu với Stephens rằng cậu bé Parker nên bị giết. Dudley cầu nguyện và nói với cậu bé rằng đã đến lúc và dùng dao đâm vào động mạch cổ của cậu ta.
Brooks đổi quan điểm phản đối đầy tính đạo đức để được chia một phần thức an kinh khủng này. Trong bốn ngày, ba người còn lại đã ăn thịt và uống máu cậu bé. Và sau đó họ đã được cứu sống. Dudley miêu tả việc họ được cứu sống trong nhật kí của mình như sau: " vào ngày thứ hai mươi bốn, khi chúng tôi đang ăn sáng thì cuối cùng cũng xuất hiện một con tàu. Con tàu Đức đã cứu 3 người và đưa họ trở lại Falmouth". Tại đây, họ bị bắt và đem xử.
Điểm khiến cho vụ án này trở nên kinh điển vì nó chứa đựng một nội hàm mà đến nay phần lớn chúng ta phủ nhận nhưng hành động lại theo hướng ngược lại. Ý tôi là rất nhiều ủng hộ việc giết một người để giữ mạng sống cho 03 người, nói cách khác chủ nghĩa vị lợi đã được ủng hộ với mạng sống của con người.

Trước đây trong bài viết về giá trị hạnh phúc của mỗi người, tôi từng thể hiện quan điểm phản đối việc áp dụng thuyết vị lợi vào mạng sống của con người và trong bài viết này, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó. 


Đầu tiên, đối với vụ án nêu trên, tôi đồng ý với quan điểm của Công tố viên đại diện cho Nữ hoàng Anh khi kết luận rằng “Giết người là giết người”. Sau đây là quan điểm của tôi, tạm thời bỏ qua các quy định của pháp luật, chỉ bàn đến góc độ của đạo đức và sự công bằng nên bạn đừng hỏi tôi rằng, năm 1884 đã có Luật Biển quốc tế chưa? Họ thực hiện hành vi trên vùng biển của nước Anh không? Hay những câu hỏi mang tính hài hước tương tự.


Thứ nhất, những người tham gia chuyến hành trình đó hiểu rõ và buộc phải hiểu rõ những nguy cơ đe dọa đến mạng sống của mình có thể xảy ra trên biển, nhưng họ đã chấp nhận các rũi ro có thể xảy đến để tìm lấy vinh quang. Nếu mỗi cá nhân tham gia chuyến hành trình nêu trên đã chấp nhận rũi ro có thể lấy đi mạng sống của mình thì họ có quyền đẩy cái rũi ro đó cho người khác hay không?


Thứ hai, nếu cho rằng hy sinh một người để cứu 03 người là cần thiết thì chúng ta hãy tưởng tượng tình huống như thế này nhé: Vào một ngày không được đẹp trời cho lắm, bạn đi đến bệnh viện để khám sức khỏe và thật trùng hợp vào ngày cái định mệnh ấy có 03 người bị tai nạn giao thông, một người có nhóm máu trùng với nhóm máu của bạn cần được truyền máu trong khi bệnh viện và các bệnh viện ở khu vực không còn nhóm máu đó, một người bị hư hai quả thận và trùng hợp là hai quả thận của bạn phù hợp để cấy ghép, một người bị ảnh hưởng tim cần được ghép tim gấp. Cả ba người đó đều nguy hiểm đến tính mạng, vậy bạn có sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cứu ba người họ? Câu trả lời chắc chắn là không rồi, vậy tại sao Parker phải hy sinh để cứu các thành viên còn lại trên tàu!? Nếu các bạn để ý, các bộ phim chúng ta xem thường có một người nói câu đại loại như thế này:"làm chuyện lớn phải biết hy sinh", nhưng người hy sinh không phải là người nói ra câu nói đó!


Thứ ba, nếu tất cả mọi người trên chiếc thuyền Mignonette đồng ý bốc thăm thì việc giết người có được thừa nhận? Vẫn tạm bỏ qua các quy định của pháp luật, tôi có quyền quyết định mạng sống của mình hay không? Trong bài viết về "quyền bán dâm", tôi có nhắc đến vấn đền chúng ta có sở hữu chính chúng ta hay không và đó cũng là một phần trả lời cho câu hỏi chúng ta có quyền quyết định mạng sống của mình hay không. Nếu các bạn cho rằng có, thì tôi suy đoán rằng các bạn ủng hộ với hành vi trợ tử (giúp người khác được chết để thoát khỏi cảm giác đau đơn do bệnh tật gây ra), các bạn cũng hộ hành vi giúp người khác tự tử, các bạn cũng ủng hộ các hành vi bạo lực sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có thỏa thuận và tất nhiên là tất tần tật các hành vi liên quan đến thể xác con người vì các bạn đang ủng hộ lập luận chúng ta sở hữu vô hạn đối với cơ thể chúng ta. Lưu ý với các bạn rằng, phần lớn những hành vi liên quan đến cơ thể của chúng ta đề bị pháp luật cấm, ví dụ: Bán dâm, bán nội tạng cơ thể, trợ tử, giúp người khác tự tử, thỏa thuận bạo lực....


Thứ tư, nếu như ngay sau ngày Parker bị giết, các thuyền viên còn lại được cứu thì các bạn có cho rằng cái chết của Parker là vô ích hay không vì thực tế Parker không cần phải chết thì các thuyền viên đều được cứu? Nếu như lập luận rằng, làm sao biết được ngay ngày hôm sau sẽ có thuyền thì tôi cũng cho rằng làm sao chắc chắn ngày hôm sau không có thuyền đi ngang qua?


Cuối cùng tôi cho rằng, hành vi của thuyền trưởng Dudley là giết người.

- Bạn không thể đẩy rủi ro mà bạn phải chấp nhận khi thực hiện hành vi cho người khác;
- Không thể lập luận giữa phí tổn và lợi ích đối với mạng sống con người;
- Chúng ta không sở hữu vô hạn đối với cơ thể của chúng ta.
Tôi tự hỏi các bạn sẽ phản ứng như thế nào khi đọc một bài báo viết về một vụ tai nạn giao thông 01 người chết và một bài viết về tai nạn giao thông 100 người chết? Có phải con số người chết ảnh hưởng nhiều đấy chứ. Mặc dù, liên quan đến mạng sống con người, nhiều nhà triết học phản đối áp dụng Chủ nghĩa vị lợi – tối đa hóa lọi ích, nhưng trong thực tế thì không phải vậy. 

Còn bạn, ý kiện của bạn như thế nào?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!