Tình yêu ám ảnh - Tình yêu và lòng thù hận

Leave a Comment
Đây là một bài viết trên website Tâm lý học tội phạm, một bài viết giới thiệu sách, cũng như lần trước, nội dung bài viết chỉ nêu những lý luận chung.

Tôi nghĩ bài viết này sẽ cho các bạn biết ít nhiều về trạng thái tâm lý của hung thủ gây ra vụ án mạng kinh hoàng ở Bình Phước. 


Các thuật ngữ :
Obsessive lover: Người có tình yêu ám ảnh.
Target: Là đối tượng, là người mà Obsessive lover theo đuổi.

Tình yêu ám ảnh là gì?

Khi nó có 4 điều kiện sau:

1. Sự đau đớn, ám ảnh với người yêu

2. Họ có một mong ước không thể thỏa mãn được là muốn sở hữu hay được sở hữu bởi Target.

3. Đối tượng từ chối họ và không sẵn sàng về mặt thể lý hay cảm xúc dành cho họ.

4. Sự từ chối của đối tượng khiến Obsessive lover có những hành động mang tính hủy hoại bản thân và đối tượng.

Thực tế, những ám ảnh về tình yêu thường ít khi liên quan đến tình yêu, mà nó liên quan đến sự mong ước, khát khao, ham muốn. Khát khao là ước muốn những gì mà bạn không có. Ngay cả khi Obsessive lover đang ở trong một mối quan hệ, họ cũng cảm thấy không có đủ điều mà họ muốn. Họ muốn nhiều hơn nữa tình yêu, sự chú ý, sự cam kết, sự đảm bảo. Và chính những mong muốn không thể thỏa mãn này của Obsessive lover đã đẩy đối tượng rời xa họ. Obsessive lover cảm thấy như bị kiểm soát bởi chính những nhu cầu và khao khát của họ.

Một tình yêu lành mạnh thường đem đến sự tin tưởng, quan tâm chắm sóc và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng Obsessive lover lại bị kiểm soát bởi những nỗi sợ hãi, bởi khát khao sở hữu và bởi sự ghen tuông. Cuối cùng, tình yêu ám ảnh không bao giờ đem lại sự thỏa mãn, sự nuôi dưỡng và hiếm khi nào họ cảm thấy ổn.

Liệu bạn có phải là một Obsessive lover?

Bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:

1. Bạn không ngừng mong mỏi một người nào đó mà họ không sẵn sàng về mặt cảm xúc hay thể lý đối với bạn?

3. Bạn có tin rằng nếu mình mong muốn người này đến một mức nào đó thì anh ấy hay cô ấy sẽ yêu bạn?

4. Bạn có tin rằng nếu mình theo đuổi người này đủ kiên trì và với phương pháp đúng thì anh /cô ấy sẽ chấp nhận bạn?

5. Khi bạn bị từ chối, điều đó có thúc đẩy bạn chỉ khát khao người này nhiều hơn không?

6. Nếu bạn liên tục bị từ chối, thì sự khat khao người ấy của bạn có biến thành sự giận dữ, hận thù không?

7. Bạn có cảm thấy như mình là một nạn nhân khi người ấy không cho bạn thứ mà bạn muốn?

8. Nỗi ám ảnh về người ấy mạnh mẽ đến nỗi nó tác động đến thói quen ăn uống, đi ngủ và khả năng làm việc của bạn?

9. Bạn có tin rằng đây là người duy nhất khiến cuộc đời bạn trở nên có ý nghĩa?

10. Bạn có phát hiện thấy mình liên tục nhớ về người ấy, thường đợi rất lâu mong chờ người ấy sẽ gọi điện cho bạn?

11. Bạn có hay xuất hiện bất ngờ trước nhà hay cơ quan của người ấy mà không báo trước?

12. Bạn có thường xuyên kiểm tra xem người ấy hiện đã có người yêu chưa?


Nếu bạn trả lời “ có” từ 3 câu hoặc nhiều hơn, thì bạn là một Obsessive lover.

Bạn có phải là mục tiêu, đối tượng của một Obsessive lover?

1. Bạn có cảm thấy nghẹt thở bởi những hành động của họ?

2. Họ liên tục thuyết phục bạn rằng bạn không hiểu những cảm xúc hay khao khát của chính bạn, rằng bạn thực sự yêu họ?

3. Họ từ chối thực tế rằng mối quan hệ này đã kết thúc và tiếp tục theo đuổi bạn mặc dù bạn đã phản đối họ?

4. Bạn có nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn, món quà không mong đợi từ họ?

5. Liệu sự theo đuổi của họ có khiến bạn cảm thấy bất an về cuộc sống của mình, nó ảnh hưởng đến cơ thể và cảm xúc của bạn hay khả năng tập trung vào công việc của bạn?

6. Khi bạn từ chối họ, điều đó có khiến họ càng khao khát bạn mãnh liệt hơn không?

7. Khi bạn từ chối họ, điều đó có khiến họ nổi giận?

8. Bạn có bị họ theo dõi?

9. Bạn có sợ rời khỏi nhà mình vì có thể họ đang đợi bạn ở ngoài?

10. Bạn có cảm thấy như mình là một con tin của cuộc theo đuổi của họ?

11. Bạn có sợ họ sẽ gây tổn thương cho bạn hoặc họ tự làm mình bị tổn thương vì bạn?

12. Họ có đe dọa sẽ dùng bạo lực với bạn và nó trở thành thật không?

Nếu câu trả lời của bạn là “ có” ngay cả một câu trong số 12 câu trên, thì nhiều khả năng bạn là mục tiêu của Obsessive lover.


Những đặc điểm của Obsessive lover

1. Họ cho rằng người ấy là người duy nhất, người ấy là một phép màu nhiệm , người ấy có thể thỏa mãn, đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Họ tin rằng người ấy sẽ giải quyết được mọi rắc rối trong cuộc đời họ, sẽ cho họ sự đam mê mà họ khao khát. Người ấy sẽ khiến họ cảm thấy mình được cần đến, được yêu thương hơn trước đây. Với tất cả những quyền năng này, Người ấy trở thành một điều gì đó còn hơn cả một người yêu- anh ấy/ cô ấy trở thành một nhu yếu của cuộc sống của họ.

Người ấy không cần thiết phải đặc biệt quyến rũ, thông minh hay thành công trong sự nghiệp hay họ có những phẩm chất nào đó đáng mơ ước.

Những ảo tưởng và kỳ vọng của Obsessive lover về người ấy ít khi liên quan nhiều đến con người thực sự của người ấy.

2. Trong một mối quan hệ lành mạnh, nếu hai người yêu nhau và phát hiện được những điều không tốt đẹp mà họ không thích ở người yêu, thì họ có thể lựa chọn kết thúc mối quan hệ. Nhưng từ bỏ người yêu không phải là lựa chọn của Obsessive lover. Bất kể thực tế như thế nào, họ tự tạo ra cho mình về một mối quan hệ họ muốn trong tưởng tượng. Họ tạo ra những kỳ vọng, những mơ ước hơn là dựa vào thực tế….

3. Bị từ chối là ác mộng của Obsessive lover. Sự khác biệt giữa một mối quan hệ lành mạnh và một tình yêu ám ảnh trở nên rõ ràng hơn khi xem xét đến vấn đề bị từ chối. Nếu những người yêu nhau (lành mạnh) bị từ chối, họ có thể tiếc thương cho mối quan hệ của mình một thời gian rồi tiếp tục cuộc sống mới. Nhưng đối với Obsessive lover, khi bị từ chối, họ sẽ trở nên sợ hãi, bất an, đau khổ.

Không ai thích bị từ chối cả. Điều đó gây tổn thương cho mọi người. Nhưng nó lại xảy ra với tất cả mọi người vào một thời điểm nào đó. Việc bị từ chối là một nguy cơ mà tất cả chúng ta đều phải gánh chịu khi chúng ta bắt đầu một mối quan hệ mới. Phần đông chúng ta cảm thấy bất an về khả năng người yêu có thể rời bỏ mình. Đó là nỗi lo lắng bị từ chối. Khi mối quan hệ tiến triển thì những người yêu nhau càng tin tưởng hơn vào bạn tình, nỗi lo lắng này có xu hướng biến mất. Nhưng điều không may là phần lớn những Obsessive lover khi ở trong một mối quan hệ, họ luôn luôn, liên tục sợ hãi người yêu sẽ bỏ rơi mình.

Cơ chế phòng vệ của Obsessive lover khi bị từ chối: họ sẽ phủ nhận thực tế, tin rằng đó không phải sự thật bằng hai cách: Hợp lý hóa và làm giảm nhẹ mức độ quan trọng của sự việc.

Hợp lý hóa là một hình thức phổ biến nhất của việc chối bỏ thực tế. Nó là một quá trình tự thuyết phục bản thân. Khi đương đầu với việc bị từ chối, Obsessive lover sẽ hợp lý hóa nó một cách cực kỳ sáng tạo, mục đích là để biện minh cho hành động của người yêu. Sau đây là một vài ví dụ về hợp lý hóa:

“ Tôi biết là anh ấy đang nhìn ngắm những người phụ nữ khác, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa nào với anh ấy cả. Tôi mới là người đàn bà duy nhất mà anh ấy thực sự quan tâm”.

“ Tôi biết là anh ấy có những hành động không thực sự yêu thương tôi, nhưng anh ấy sẽ yêu tôi hơn nếu tôi làm cho anh ấy dừng uống rượu.”

“Tôi đã không nghe tin tức gì từ anh ấy suốt 3 tuần nay. Có thể anh ấy phải làm việc vất vả trong thời gian ấy nên không liên lạc với tôi”.

“ Cô ấy đang cặp kè với anh chàng khác, nhưng tôi biết là cô ấy chỉ làm như vậy để khiến tôi ghen tuông “.

Obsessive lover tiếp tục hợp lý hóa cho những hành động (thể hiện rõ ràng sự từ chối của người ấy) thay vì chấp nhận thực tế là mối quan hệ này đã kết thúc. Sau đây là trường hợp của Nora:

“ Có lẽ anh ấy sẽ gọi điện thoại cho tôi vào một ngày nào đấy và nói “ Anh đang chờ xem em sẽ làm gì để anh quay lại với em”. Tất cả chỉ là một trò chơi thôi. Anh ấy đang thử tôi và một ngày nào đó tôi sẽ nhận được điện thoại của anh ấy và anh sẽ nói “Ok, chúng ta hãy kết hôn nhé”. Bởi vì tôi biết đó chính là những gì anh ấy nghĩ. Tôi hiểu anh ấy còn nhiều hơn anh ấy hiểu chính bản thân anh.

Anh ấy thực sự yêu tôi, chỉ là anh ấy không nhận ra điều đó thôi.

Obsessive lover thường tin rằng họ hiểu người ấy còn nhiều hơn là người ấy thực sự hiểu về cảm xúc của mình. Họ tin rằng nếu họ có thể chứng minh về tình yêu mãnh liệt của mình thì người ấy của họ sẽ thức tỉnh những cảm xúc thật đền đáp lại tình yêu của họ.Bằng cách sử dụng cơ chế phòng vệ hợp lý hóa, Obsessive lover có thể là giảm bớt mức độ từ chối của hành động của người ấy trong thời gian ngắn hạn.

Cơ chế phòng vệ thu giảm mức độ thực của thực tế bằng cách tập trung có chọn lọc.

Nếu bạn nói với Obsessive lover là: “Tất cả đã kết thúc. Tôi không muốn nhìn thấy bạn nữa, và tôi cũng không muốn bạn tìm cách liên lạc với tôi nữa”, thì Obsessive lovers sẽ chỉ nghe nó thành “ Bạn là một người kinh khủng “. Bằng cách bỏ đi những nội dung rõ ràng của thông điệp, Obsessive lover chỉ tìm cách làm giảm đi mức độ tiêu cực của thông điệp. Đây là một phương sách mà Obsessive lover dùng để đối phó với thông điệp từ chối quá rõ ràng từ người yêu.

Họ luôn nỗ lực tìm kiếm một tia hy vọng, những bằng chứng chứng tỏ rằng người ấy vẫn quan tâm đến họ. Họ là bậc thầy của việc chối bỏ thực tế.

Obsessive lover đã đầu từ quá mức thời gian và nỗ lực vào mối quan hệ này, nên khi họ trải nghiệm sự bị từ chối, họ thực sự tin rằng mình sẽ không bao giờ có thể yêu lại nữa, họ sẽ không bao giờ có thể hạnh phúc lại nữa. Bởi lý do này mà họ từ chối từ bỏ người ấy. Họ không thể từ bỏ.

Việc bị từ chối sẽ khơi dậy những cảm xúc đau đớn cho mọi người – đó là nỗi đau của cảm giác không được cần đến, nỗi đau của cảm giác bị sỉ nhục, nỗi đau của cảm giác mình khiếm khuyết không đủ đầy, nỗi đau của việc sống lại quá khứ bị từ chối trước đây. Nỗi đau là một dấu chỉ cho thấy có điều gì đó cần sửa chữa. Cách đáp ứng tự nhiên nhất với nỗi đau , đó là làm một cái gì đấy. Đối với những người lành mạnh, khi bị từ chối thì họ sẽ có những đáp ứng mang tính xây dựng trước nỗi đau. Mặc dù quá trình này không phải dễ dàng, họ sẽ nhận thức được về nỗi đau của họ, nhận thức được rằng họ đang ở trong một tình huống không có chiến thắng, và tìm cách thức để chia tay với người yêu. Nhưng đối với Obsessive lover, họ không thể tách rời với người yêu. Họ tìm cách trốn khỏi nỗi đau mà họ đang trải qua bằng cách trở nên ám ảnh với những gì mà họ đang làm. Họ chuyển nỗi đau thuộc về cảm xúc sang những hành động mang tính tiêu cực, như tự hành hạ, trừng phạt bản thân.Những hành động trừng phạt bản thân mà Obsessive lover thường dùng là : uống rượu quá mức, ăn quá nhiều, dùng chất gây nghiện, đánh bạc, trở nên nối nóng hoặc không tập trung trong công việc, ngủ quá nhiều hoặc không ngủ đủ giấc, bỏ bê gia đình và bạn bè, và trong một số trường hợp cực đoan có thể dẫn đến tự tử.

Đau khổ: Sự kết nối tuyệt vọng

Một số Obsessive lover có vấn đề trong việc bộc lộ sự giận dữ. Điều này đúng đối với cả hai giới và đặc biệt đúng đối với phụ nữ. Phụ nữ được giáo dục rằng thể hiện sự tức giận trực tiếp là không quyến rũ.

Sự đau khổ có vai trò đặc biệt trong tình yêu ám ảnh. Đối với Obsessive lover, sự đau khổ mang lại cho họ sự kết nối mong manh với một mối quan hệ đã chết hoặc đang chết. Sự đau khổ cho phép Obsessive lover lưu giữ hình ảnh người ấy một cách sinh động trong cuộc sống hiện tại của họ. Một mối quan hệ có thể đã kết thúc về mặt thể lý, nhưng cảm xúc đau khổ có thể ngăn chặn mối quan hệ không kết thúc về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, khi duy trì sự kết nối kiểu này, Obsessive lover không thu được điều gì ngoại trừ nỗi đau và trì hoãn khả năng có cuộc sống mới .Khi mới bắt đầu mối quan hệ, Obsessive lover được nuôi dưỡng bởi sức mạnh của sự đam mê của họ. Khi sự từ chối của đối tượng làm tiêu bớt sự đam mê, thì phải có một cái gì đó để lấp đầy lỗ hổng về cảm xúc. Đau khổ là một trong những trạng thái có thể tạo ra cảm xúc đủ mạnh để làm điều này.

Ám ảnh với việc theo đuổi đối tượng

Sự từ chối của đối tượng khiến Obsessive lover cảm thấy cuộc sống của họ bị cuốn ra khỏi vòng kiểm soát. Họ tìm cách ngăn chặn mối quan hệ không phải kết thúc. Và nếu mối quan hệ đã chết thì họ sẽ làm nó hồi sinh. Mục tiêu của việc theo đuổi đối tượng là để lấy lại mối quan tâm của người ấy. Họ chỉ có duy nhất một lựa chọn : đó là theo đuổi… và theo đuổi… và theo đuổi.Một số hành động theo đuổi là: gửi quà, hoa, thư tay cho đối tượng; tìm cớ để gặp mặt đối tượng; liên tục gọi điện thoại cho đối tượng; liên tục đên nhà riêng hoặc cơ quan đối tượng; Rình rập đối tượng; Đe dọa sẽ làm hại bản thân hoặc đối tượng.

Obsessive lover tiến hành những hành động theo đuổi đó để khẳng định lại quyền lực, sức mạnh của họ trong mối quan hệ này (khi tình yêu ám ảnh khiến họ cảm thấy bất lực khi mất đi người yêu).

Đoạn kết của cuộc theo đuổi gần như không bao giờ đem lại kết quả như họ hy vọng. Họ không thể ép buộc đối tượng yêu họ. Việc theo đuổi thất bại tạo nên 1 chu kỳ tự tồn tại khiến Obsessive lover càng cảm thấy tuyệt vọng và mất giá trị bản thân; khi họ càng xa lánh đối tượng thì họ càng cảm thấy tồi tệ, và cảm xúc đó lại càng thúc đẩy họ cố gắng và tránh né nỗi đau bằng cách tiếp tục theo đuối. Đây là cách thức mà sự theo đuổi ám ảnh tự nuôi dưỡng chính nó.

Từ theo đuổi chuyển sang trả thù

Tất cả Obsessive lover cuối cùng đều đi đến điểm bùng nổ- đó là thời điểm mà sự thất vọng của họ trước những thất bại khi theo đuổi đối tượng đã vượt quá sức chịu đựng. Những ảo tưởng lạc quan ban đầu của họ về việc làm sống lại mối quan hệ bị thay thế bằng niềm tin rằng chính đối tượng đã cố tình hủy hoại cuộc đời họ.Họ trở nên điên tiết vì đối tượng đã phản bội họ, đã tước đi tình yêu mà họ khao khát.

Khi tình yêu và hận thù đi liền với nhau

Tình yêu và hận thù dường như có vẻ là những cảm xúc đối lập nhau, nhưng trong tình yêu ám ảnh thì hai cảm xúc đó cùng tồn tại. Khi họ bị ám ảnh bởi hận thù và cảm xúc đó mạnh mẽ đến nỗi họ không thể chối bỏ được thì hầu hết Obsessive lover đều tưởng tượng đến việc trả thù. Không có gì sai trái với việc tưởng tượng trả thù. Tất cả mọi người đều có những tưởng tượng như vậy vào một thời điểm nào đó trong đời. Nhưng đối với Obsessive lover thì những tưởng tượng này lặp đi lặp lại trong đầu họ và nó ảnh hưởng đến trạng thái bình an nội tâm.

Cơn thịnh nộ ẩn dưới những tưởng tượng báo thù khiến con người ta cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, tràn đầy năng lượng hơn. Còn trầm cảm do bị đối tượng từ chối thì ngược lại. Trầm cảm khiến con người cảm thấy mình bất lực, kiệt sức và tuyệt vọng. Chính bởi điều này mà con người hiếm khi trải nghiệm sự thịnh nộ và trầm cảm vào cùng một thời điểm, dù 2 cảm xúc này cùng tồn tại trong cùng một người. Thịnh nộ và trầm cảm là 2 cực đối lập của cùng một lực , đó là sự tức giận. Cơn thịnh nộ thường là sự tức giận hướng ra bên ngoài vào một người nào đó , trong khi ngược lại thì trầm cảm thường là sự tức giận hướng vào bên trong bản thân chính mình.Trong trường hợp của Obsessive lover, bằng việc hướng sự giận dữ vào đối tượng, nó có thể giúp họ giải tỏa cảm xúc bất lực của chính mình . Nhưng sự giải tỏa cảm xúc này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.

Obsessive lover sẽ dùng ba hình thức để báo thù, đó là:

1. Bạo lực về cảm xúc: khiến đối tượng cảm thấy lo sợ, bất lực, mệt mỏi và giận dữ. Nhiều nạn nhân của việc bạo lực về cảm xúc thường mệt mỏi, thất vọng bởi vì luật pháp không bảo vệ được họ. Những nạn nhân của bạo lực về thân thể thì có thể gọi cảnh sát. Nhưng nạn nhân của bạo lực về cảm xúc thì không.

2. Bạo lực về tài sản: trả thù đối tượng bằng cách hủy hoại những tài sản như nhà cửa, xe cộ, đồ đạc, quần áo, trang sức

3. Bạo lực về thân thể

Những Obsessive lover tìm cách trả thù đều cần sự trợ giúp tâm lý. Bạn cần tìm sự trợ giúp trước khi bạn gây tổn thương cho người khác. Nếu bạn có ý định tấn công hoặc làm hại đối tượng về thân thể thì bạn bắt buộc phải được giúp đỡ về tâm lý. Vì những động lực thúc đẩy bạn có những hành động làm hại người khác đã nằm ngoài khả năng kiểm soát của ý thức.

Vai trò Vị cứu tinh của Obsessive lover:

Một số Obsessive lover thích đóng vai vị cứu tinh, người giúp đỡ. Họ bị thu hút như nam châm vào những đối tượng có những vấn đề rắc rối trong cuộc sống cá nhân. Đối tượng của Obsessive lover có thể là những người mới bị mất việc làm, người nghiện rượu, nghiện ma túy, có vấn đề về tình dục, hoặc là kẻ bạo hành thích đánh đạp người khác, hoặc là tội phạm. Nhưng cho dù vấn đề của đối tượng là gì , thì Obsessive lover là những người bị thu hút bởi người ấy vì họ tin rằng có có sức mạnh để sửa chữa vấn đề của đối tượng.Họ tin rằng nếu họ yêu thương đối tượng đủ nhiều, cho đủ nhiều, làm đủ nhiều thì họ có thể cứu rỗi cuộc đời của đối tượng, giải thoát đối tượng và có được một mối quan hệ bình dị mà họ hằng mong muốn.

Nhu cầu muốn được người khác cần đến mình của vị cứu tinh Obsessive lover:

Vai trò vị cứu tinh xuất phát từ khao khát của chúng ta là được cho đi, được mọi người cần đến , được mọi người nhìn nhận mình là người tốt, nhân ái. Điều này đặc biệt đúng đối với phụ nữ, có xu hướng trở thành người chăm sóc người khác do bản năng tự nhiên của phụ nữ và do bởi ảnh hưởng của xá hội. Vị cứu tinh sẽ cảm thấy cao quý nếu họ gánh được phần nào vấn đề rắc rối của người khác. Nếu họ có thể sửa chữa được vấn đề của người khác, thì họ sẽ cảm thấy mình được cần đến. Nếu thói quen sửa chữa vấn đề của người khác trở thành thói quen và đối tượng của họ là người phụ thuộc vào họ, họ sẽ cảm thấy mình không thể sống thiếu đối tượng được.

Bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau để xem mình có phải đang đóng vai vị cứu tinh không.

Bạn nghĩ là bạn có thể thay đổi được người yêu, ngay cả khi:

1. Bạn liên tục phát hiện thấy mình nói dối hoặc bao che cho vấn đề của người yêu do hậu quả của những hành động của người yêu?

2. Bạn liên tục bảo lãnh người yêu khỏi những khó khăn tài chính?

3. Người yêu của bạn liên tục vay mượn tiền từ bạn và không hoàn trả.

4. Người yêu của bạn liên tục nói dối với bạn về hoàn cảnh gia đình, lịch sử nghề nghiệp và tình trạng hôn nhân?

5. Người yêu của bạn liên tục lừa dối bạn.

6. Người yêu của bạn lạm dụng rượu và ma túy.

7. Người yêu bạn nghiện cờ bạc.

8. Người yêu bạn bạo hành bạn về ngôn ngữ, thể chất, cảm xúc.

9. Người yêu bạn có rắc rối liên quan đến pháp luật.

Bạn thường xuyên ám ảnh bởi việc:

1. Cố gắng giúp người yêu thoát khỏi vấn đề uống rượu, cờ bạc.

2. Cố gắng tìm việc giúp người yêu.

3. Cố gắng giúp đỡ người yêu vượt qua khó khăn về tình dục.

4. Cảm thấy có lỗi khi mình chưa nỗ lực đủ nhiều để giúp người yêu.

5. Cố gắng giúp người yêu thấy tương lai tươi sáng thế nào nếu anh, cô ấy có thể thay đổi được những hành vi không lành mạnh.

Ngay cả khi bạn chỉ trả lời “ có” ở một câu trong danh sách những câu trên, thì bạn có khả năng là đang đóng vai vị cứu tinh. Bạn thấy mình phải chịu trách nhiệm để giải quyết những vấn đề của người yêu của bạn- về tài chính, cảm xúc, nghiện ngập. Bạn sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng và thời gian và đến một lúc nào đó sẽ cảm thấy kiệt sức, thất vọng và cảm giác bị lợi dụng.

Đối tượng của Obsessive lover sẽ thấy rất khó khăn để kết thúc mối quan hệ với Obsessive lover

Phải cần có 2 người thì mới tạo thành một mối quan hệ, và cũng cần phải có 2 người để kết thúc một mối quan hệ. Đó là lý do tại sao không bao giờ dễ dàng để kết thúc mối quan hệ với Obsessive lover. Đặc biệt là khi đối tượng bị buộc chặt vào mối quan hệ này bởi chính cảm xúc của họ- cảm thấy tội lội, lòng từ bi hay những khao khát tình dục.

Không ai thích cái cảm giác mình là nguyên nhân gây đau khổ cho người khác. Nhưng trong một mối quan hệ đầy tính phức tạp và rối rắm như mê cung, việc những người yêu nhau gây tổn thương nhau là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi chúng ta không hề có ác ý , ngay cả khi chúng ta cam kết sẽ không có những hành động ác ý, thì chúng ta vẫn dễ cảm thấy mình độc ác khi chúng ta gây tổn thương cho người yêu khi kết thúc mối quan hệ với họ. Trong một mối quan hệ với Obsessive lover thì những cảm giác ấy càng được phóng đại lên bởi nỗi đau khổ của Obsessive lover.

Và đối tượng của Obsessive lover sẽ cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc cũng như những đau khổ của Obsessive lover.

Những thông điệp mang tính nước đôi.

Khi đối tượng của Obsessive lover trì hoãn việc đưa ra quyết định kết thúc mối quan hệ thì họ trở nên không trung thực, nói và làm những việc trái ngược với cảm xúc thật của họ.Họ đưa ra những thông điệp không rõ ràng, điều đó chỉ làm thổi bùng lên ngọn lửa đam mê trong hành động của Obsessive lover.

Nhiều người nhầm lẫn rằng chúng ta truyền thông cảm xúc của mình với người khác chủ yếu bằng cách nói về chúng. Nhưng nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng khoảng 75% nội dung của truyền thông là ở phi ngôn ngữ. Ngôn ngữ cơ thể, hành động, và thái độ bộc lộ nhiều hơn là ngôn ngữ bằng lời. Khi chúng ta đang có xung đột, mâu thuẫn, hoặc khi chúng ta đang cố gắng che dấu cảm xúc thực của mình, chúng ta sẽ thường nói một đằng và làm một nẻo, tạo ra thông điệp nước đôi.

Ví dụ: khi Elliot quyết định chia tay với Lisa, anh ta vẫn tiếp tục quan hệ tình dục với cô. Anh ta vẫn tiếp tục gặp mặt Lisa, nhưng rôi sau đó anh ta lại không muốn gặp cô nữa. Điều đó chỉ càng làm cho Lisa thấy thất vọng, giận dữ. Elliot đã đưa cho Lisa một thông điệp nước đôi. Anh ta một mặt nói rằng không muốn gặp cô nữa, nhưng thông điệp phi ngôn ngữ của anh ta – quan hệ tình dục với cô – thì lại đối lập.

Khi bạn là đối tượng của Obsessive lover và bạn quyết định kết thúc quan hệ với họ, thì bạn cần nhận ra rằng những thông điệp nước đôi của bạn chỉ càng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Cuối cùng , bạn chỉ kéo dài thêm bất hạnh cho mình và trì hoãn những việc không thể thay đổi.

Cũng là điều tự nhiên khi đối tượng của Obsessive lover lại rơi vào khuôn mẫu đưa ra thông điệp ước đôi, nhưng họ cũng phải trả giá về cảm xúc khi họ làm như vậy. Khi họ nói một đằng và làm một nẻo, thì họ hiếm khi cảm thấy ổn về mình. Thay vào đó, họ cảm thấy mình yếu đuối, lo lắng và trên tất cả, là cảm giác tội lỗi vì lừa dối, càng khiến cho họ gặp khó khăn thêm khi kết thúc mối quan hệ với Obsessive lover.

Bạn cần phải đưa ra những thông điệp rõ ràng, trung thực, nghiêm túc.

Sau đây là một số ví dụ về loại thông điệp này. Mặc dù nó rất khó, nhưng ở đây không có chỗ cho sự mơ hồ, hay tinh tế khi truyền thông với Obsessive lover- người không muốn nghe sự thực.

– Mọi thứ kết thúc rồi. Không có thỏa hiệp nào cả. Tôi sẽ không thảo luận vẫn đề này thêm nữa.

– Tôi sẽ không nghe điện thoại bạn gọi bắt đầu từ bây giờ, và nếu bạn gọi thì tôi sẽ cắt máy mà không nói với bạn.

– Tôi muốn bạn rời bỏ tôi ngay bây giờ. Nếu bạn không làm thì tôi sẽ bỏ bạn lại.

– Đừng gọi điện thoại, đừng gửi tin nhắn, đừng liên lạc với tôi.

Gốc rễ của tình yêu ám ảnh

Sự kết nối hạnh phúc

Chúng ta khi còn là những đứa bé sơ sinh là những tồn tại cảm xúc. Khi những nhu cầu cơ bản của chúng ta không được đáp ứng- khi chúng ta đói, hay mệt mỏi, hoặc cảm thấy lạnh lẽo, hoặc cảm thấy không thoải mái, hoặc đau đớn- chúng ta trở nên đau khổ và tức giận. Nhưng khi đứa bé được ôm ấp trong vòng tay của mẹ và cơn đói khát của nó được thỏa mãn bởi dòng sữa ấm áp , đứa bé sẽ trải nghiệm được một niềm hạnh phúc thuần khiết, một trạng thái kết nối hoàn hảo với người mẹ, một trạng thái hoàn toàn an bình, ấm áp và đủ đầy. Cái thế giới của đứa bé chỉ đơn giản là thế giới nội tâm của nhu cầu và sự thỏa mãn, của ái dục và hạnh phúc. Chúng ta không trải nghiệm điều gì ở thế giới bên ngoài chúng ta. Người mẹ là một phần của đứa bé. Đứa bé và người mẹ là một.

Bất kể tuổi tác và giới tính, thì luôn luôn tồn tại một phần vô thức trong chúng ta luôn khao khát những cảm xúc êm ái đó, được trở về với trạng thái an toàn , trở thành một với người mẹ. Nhưng tất nhiên là chúng ta không bao giờ có thể trở lại với sự kết nối hạnh phúc ấy, nhưng những cảm xúc đó đã ăn sâu trong chúng ta.

Mất kết nối

Khi nhận thức của chúng ta phát triển và chúng ta bắt đầu cảm nhận rằng chúng ta là người riêng biệt với mẹ, chúng ta bắt đầu cảm nhận rằng những nguồn thỏa mãn nhu cầu của chúng ta nằm ở thế giới bên ngoài, nó không phải là một phần của chúng ta.Cái cảm giác kết nối hoàn hảo với người mẹ (trở thành một với mẹ) bị tan vỡ. Lần đầu tiên trong đời, chúng ta trải nghiệm sự sợ hãi rằng mẹ của mình không xuất hiện khi chúng ta cần bà- chúng ta cảm thấy rất sợ hãi khi bị bỏ rơi.

Đây là bước đầu tiên của quá trình tách rời khỏi mẹ, và nó cũng là bước đau đớn nhất đối với tất cả chúng ta. Bạn không thể cắt đứt mối kết nối mẹ-con này như cái cách bác sỹ cắt cuống rốn. Quá trình này không diễn ra dễ dàng.

Tách rời khỏi mẹ là một quá trình hỗn loạn, stress, là một trận chiến giữa khao khát tự nhiên của chúng ta được trở thành con người riêng biệt với nỗi sợ hãi mất đi sự an toàn của mối gắn kết mẹ con. Quá trình này tiếp tục diễn ra trong suốt thời thơ ấu cho đến tuổi thanh niên.

Chỉ khi nào mà bố mẹ của chúng ta thỏa mãn những nhu cầu của ta với thái độ tôn trọng, yêu thương, ủng hộ và bảo vệ thì chúng ta mới có thể phát triển niềm tin vào bản thân mình và mọi người, và quá trình chia tách khỏi mẹ sẽ diễn ra thuận lợi.

Khi quá trình tách rời mẹ bị trật bánh

Cha mẹ tốt sẽ nuôi dạy đứa con trở thành người tự tin và độc lập. Nhưng nếu đứa bé được sinh ra và nuôi dạy trong một gia đình không lành mạnh thì quá trình tách rời khỏi mẹ sẽ diễn ra khó khăn. Ví dụ như: sự ra đời của một người em, sự vắng mặt của cha mẹ vì lý do công việc, cái chết của bố hoặc mẹ, hoặc trẻ bị bố mẹ làm tổn thương về tinh thần, thân thể, không quan tâm đến những nhu cầu tình cảm – những tình huống như vậy trong gia đình có thể phá vỡ quá trình từ phụ thuộc sang tự lập của đứa trẻ, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Và khi đứa trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, nó sẽ mất đi lòng dũng cảm để có thể chia tách cảm xúc khỏi cha mẹ.

Khi đứa bé chịu đựng sự thất bại trong quá trình chia tách khỏi mẹ, vì bất cứ lý do gì, thì khi lớn lên, chúng ta có thể tỏ ra độc lập ở bên ngoài, nhưng bên trong chúng ta lại cảm thấy sợ hãi và chúng ta tuyệt vọng khi cố gắng tìm cách kết nối lại những cảm xúc cội nguồn (cảm thấy đủ đầy và an toàn) mà hiện tại chúng ta không đạt được. Quá trình này được gọi là The connection compulsion (sự kết nối mang tính cưỡng bức). Để hiểu hơn về sự cưỡng bức kết nối này, ta hãy tưởng tượng về một đứa bé rời khỏi ngôi nhà nhỏ hạnh phúc của cô bé ấy ở trong rừng để nhìn ra thế giới. Dọc đường đi, cô bé ấy bắt gặp một sinh vật lạ mà cô ấy chưa bao giờ nhìn thấy trước đây. Quá hoảng sợ, cô bé chạy trở về nhà. Nếu đứa trẻ đến từ một gia đình khỏe mạnh về tâm lý thì đứa bé sẽ cảm thấy thoải mái và an toàn khi đi ra thế giới bên ngoài. Bố mẹ của đứa bé sẽ cổ vũ trẻ tiếp tục hành trình của mình vào ngày mai một lần nữa. Nhưng nếu đứa trẻ đến từ một gia đình không lành mạnh, thì trẻ sẽ thấy mình bị mắc kẹt, cô ấy đập cửa nhà mình, cầu xin sự giúp đỡ khi cô bé tưởng tượng có con quái vật đằng sau lưng mình. Cô ấy nhìn thấy ánh sáng qua khe hở của cánh cửa , một tia hy vọng khiến cô ấy càng cố gắng hơn, hy vọng nhận được sự giúp đỡ của cha mẹ. Nhưng không ai đến cứu cô bé. Cô bé càng đập cửa nhà mình thì cô bé càng trở nên tuyệt vọng. Và trường hợp của người bị ám ảnh tình yêu (Obsessive lovers) cũng như vậy. Obsessive lovers vẫn cố gắng gõ cửa, nhưng trong lần này, thì đối tượng của họ thay thế cho hình ảnh cha mẹ. Obsessive lovers tự thuyết phục mình rằng đằng sau cánh cửa là cứu tinh của họ, người có thể xóa đi sự cô đơn và cảm giác tuyệt vọng, bị bỏ rơi. Mặc dù họ nhận thức được về mặt lý trí, rằng đối tượng là một người cư ngụ mới trong ngôi nhà, nhưng tia hy vọng mà họ nhìn thấy dưới cánh cửa đem lại cho họ sự hứa hẹn mang đầy cảm xúc mà họ có hồi bé – đó là được kết nối lại với cảm xúc cội nguồn của hạnh phúc. Khi Obsessive lovers cảm nhận được cái cảm giác thần bí và khó nắm bắt ấy (cảm giác kết nối hoàn hảo với mẹ) đang ở rất gần trong tay họ, thì mọi thứ trong thế giới này trở nên nhỏ bé , không đáng quan tâm. Nguồn năng lượng ban sơ của họ được khuấy động bởi những kỳ vọng to lớn có thể khiến Obsessive lovers cảm thấy cuộc sống của họ sinh động hơn, nó thúc đẩy họ theo đuổi sự kết nối hạnh phúc.

Sự từ chối: Nền tảng của sự cưỡng bức kết nối

Sự từ chối diễn ra dưới nhiều hình thức – một số hình thức từ chối thì rõ ràng, một số khác thì không. Bây giờ chúng ta hãy xem xét trường hợp của Robert. Anh ấy bị bố mẹ từ chối bằng hình thức không ủng hộ, cha mẹ có những kỳ vọng không thực tế khiến cho đứa trẻ không bao giờ có cơ hội đạt được những kỳ vọng đó, Cha mẹ hay phê bình, là người hoàn hảo, độc đoán. Robert nói rằng: Không việc gì tôi làm là đủ tốt đối với cha mình. Nếu tôi bỏ quên một quyển sách ở trên bàn thì tôi sẽ nhận được một bài giáo huấn của ông về thói bừa bộn. Nếu tôi không đạt điểm tốt ở trường thì tôi sẽ nhận được sự phê bình là không học hành chăm chỉ.

Robert nghĩ rằng lý do duy nhất mà anh ấy không thể đạt được những tiêu chuẩn của cha là vì anh ấy yếu kém. Nhưng anh ấy nằm mơ cũng không bao giờ thấy được rằng những tiêu chuẩn của cha anh là không thực tế. Anh ấy chỉ biết cố gắng và cố gắng để đáp ứng những tiêu chuẩn đó. Và anh ấy càng cố gắng bao nhiêu, anh ấy càng cảm thấy nhục nhã khi mình thất bại.

Hầu hết những đứa trẻ bị cha mẹ từ chối đều trải nghiệm cảm giác nhục nhã. Những cảm giác đó đã bóp méo nhân cách của đứa trẻ, ảnh hưởng đến khả năng kết bạn của trẻ. Như trường hợp của Robert, anh ấy có quãng thời gian khó khăn ở trường học. Anh ấy hay xấu hổ, sống thu mình, cảm thấy như bị bạn bè chế giễu. Nó đã gây tổn hại cho cảm nhận về giá trị bản thân của anh. Có một điều phổ biến là những đứa trẻ bị gia đình từ chối thường trở thành nạn nhân của việc bị bạn bè đồng trang lứa từ chối. Nhiều người sợ tiếp xúc với bạn bè. Một số khác thì cố gắng bù trừ cho cảm giác khiếm khuyết của mình bằng cách bắt nạt người khác hoặc có những hành động điên rồ để thu hút sự chú ý.

Sự từ chối của đối tượng đã khơi lại những tổn thương thời quá khứ của Obsessive lovers. Nó làm hồi phục lại cuộc chiến đấu cũ, thân quen của họ (khi muốn giành sự yêu thương, ủng hộ của cha mẹ họ), nhưng bây giờ, cuộc chiến đấu giành tình yêu của họ có vẻ như to lớn hơn, mạnh mẽ hơn, gian khổ hơn vì họ đã là người lớn. Obsessive lovers có thể dự đoán trước về khả năng thành công của cuộc chiến này. Đối tượng của Obsessive lovers không hay biết rằng mình đã đem lại cho Obsessive lovers một cơ hội thứ hai, một cơ hội của cuộc đời Obsessive lovers. Trong một số mối quan hệ thì đối tượng từ chối Obsessive lovers ngay từ lúc ban đầu. Nhưng trong những mối quan hệ khác khi đối tượng phần nào đó cũng yêu thương và chấp nhận Obsessive lovers thì Obsessive lovers cũng có một nhu cầu vô thức là tìm kiếm những cách thức mà họ bị đối tượng từ chối. Đó là một nhu cầu cơ bản của tất cả những Obsessive lovers. Nếu không có sự từ chối thì sẽ không có sự tranh đấu, như vậy sẽ không có cơ hội để chiến thắng.

Bằng cách chuyển dịch hình ảnh người yêu thành một biểu tượng cho bố mẹ, mối quan hệ của họ trở thành một rạp hát mà trong đó, họ để cho vai diễn cũ đóng một vai diễn mới thú vị hơn. Mục đích của việc này là đem lại cho vai diễn cũ một kết thúc mới- một kết thúc có hậu.

Những sự kiện quen thuộc, những cảm xúc quen thuộc

Ta hãy xem xét trường hợp của Margaret, mặc dù ban đầu cô ấy phản đối gợi ý của nhà tham vấn rằng cô ấy đang dùng Phil (người yêu của cô) như một biểu tượng về người cha. Nhà tham vấn đã chỉ ra điểm nổi bật giữa 2 người đàn ông như sau:

– Cha cô rời bỏ cô mà không báo trước.
– Phil rời bỏ cô mà không báo trước.
– Cha cô bỏ rơi cô để đến với người phụ nữ khác.
– Phil bỏ rơi cô để đến với người phụ nữ khác.
– Cha cô vẫn gọi điện thoại về cho cô (dù không thường xuyên) để khiến cô vẫn nuôi hy vọng về ông.
– Phil vẫn quan hệ tình dục (dù không thường xuyên) với cô để khiến cô vẫn nuôi hy vọng về anh.
– Cha cô thể hiện sự thiếu quan tâm trong việc duy trì mối quan hệ cha con sau khi ông rời bỏ cô.
– Phil cũng thể hiện sự thiếu quan tâm đến cô sau khi anh rời bỏ cô.

Khi còn là một cô gái bé nhỏ, Margaret không thể làm được việc gì để ngăn cha không bỏ rơi mình. Nhưng bây giờ với Phil, cô có một cơ hội để vượt qua, để chiến thắng những cảm xúc bất lực thời thơ ấu. Thay vì trở nên bị động như khi còn bé, bây giờ cô ấy chủ động đấu tranh trước sự từ chối của Phil đối với cô. Cô vô thức tin tưởng rằng nếu cô có thể thay đổi Phil thì cuối cùng cô ấy có thể chiến thắng trước sự từ chối của cha. Khi nhà tham vấn (tác giả cuốn sách này) so sánh giữa 2 người đàn ông thì sự tương đồng giữa họ càng trở nên rõ ràng hơn đối với cô.

Những sự kiện khác nhau, những cảm xúc giống nhau

Trường hợp của Ray, sự tương đồng giữa người mẹ của anh và biểu tượng về người mẹ (người yêu Ray- Karen) không rõ ràng như của Margaret. Ray làm nghề quay phim. Anh là người có tính sở hữu và hay cảm thấy bất an. Anh ấy cảm thấy sợ hãi khi người yêu sống cùng anh là Karen trong những lúc mà cô ấy ở đằng sau cánh cửa phòng tắm.

Khi còn bé, Ray liên tục cảm thấy mình bị chối bỏ bởi người mẹ nghiện rượu . Mẹ anh không đánh đập anh hay đuổi anh ra khỏi nhà, nhưng bà lại bỏ bê, ít quan tâm đến anh về mặt tình cảm, xúc phạm anh (bạo lực về tinh thần). Khi sống với Karren, anh không bao giờ thấy Karren uống rượu, cô cũng không nói những lời nói gây tổn thương anh về mặt tình cảm. Thực tế là cô ấy cố gắng trở thành một người bạn đời đáng yêu. Nhưng cô ấy chỉ có một mong muốn nho nhỏ là có được chút không gian riêng tư trong phòng tắm. Điều này đã đánh thức nỗi sợ hãi bị bỏ rơi của Ray trong quá khứ.

Thực tế là, giới tính (nam, nữ) không liên quan đến sự lựa chọn biểu tượng cha mẹ . Người yêu là đàn ông có thể đại diện cho người mẹ; người yêu phụ nữ có thể đại diện cho người cha. Cả hai giới (người yêu) đều có thể đại diện cho cả cha lẫn mẹ.

Nguồn gốc vấn đề của vị cứu tinh

Nhu cầu muốn cứu giúp vấn đề của người yêu có gốc rễ sâu xa. Vị cứu tinh thường đến từ những gia đình mà ở đó ít nhất là cha hoặc mẹ là người nghiện rượu, hoặc có vấn đề về bệnh kinh niên, trầm cảm, những vấn đề về sức khỏe thể chất hay tinh thần. Vì những vấn đề đó của cha mẹ nên họ không thể đáp ứng nhu cầu cảm xúc của đứa trẻ. Do đó đứa trẻ cảm thấy mình bị chối bỏ (Hãy nhớ là sự chối bỏ có nhiều hình thức- rõ ràng hoặc mơ hồ). Đứa trẻ cố gắng vượt qua cảm giác bị chối bỏ bằng cách nhận lãnh trách nhiệm về việc bị cha mẹ bỏ bê, hy vọng rằng nó có thể giành lại được sự ủng hộ của cha mẹ. Đứa trẻ giả định rằng mình đang đóng vai cha mẹ của chính mình. Tất cả những đứa trẻ này đều trở nên ám ảnh với việc phải đóng thành công vai trò cha mẹ, trở thành những người chăm sóc- như là một cách để đấu tranh sinh tồn và vượt qua cảm giác bị chối bỏ. Khi trở thành người lớn, họ lại đấu tranh bằng cách cứu giúp cho người yêu của mình (người yêu là biểu tượng của cha mẹ). Họ đóng vai người chăm sóc cho người yêu (đó là vai mà họ học được khi còn bé) với hy vọng là cuối cùng sẽ cứu được và dành được sư ủng hộ mà họ luôn khao khát.

Tự giải thoát mình khỏi tình yêu ám ảnh

Khi tác giả tư vấn cho những trường hợp Obsessive lovers, những thân chủ này nói với bà là họ nghĩ rằng mình bị điên. Họ lo lắng rằng họ sẽ không bao giờ trở lại bình thường được nữa. Đây không phải là những cảm xúc mà tình yêu gây ra. Đây là cảm xúc của sự ám ảnh. Những thân chủ đó không phải đang mô tả về tình yêu mà thực ra họ đang mô tả về cuộc khủng hoảng cảm xúc đang diễn ra trong họ. Nhưng cuộc khủng hoảng có thể là một điều có ích. Trong tiếng Trung Quốc, khủng hoảng là sự kết hợp của “nguy hiểm “ và “cơ hội”. Thật là một cách hiểu sâu sắc về khủng hoảng. Tình yêu ấm ảnh đe dọa đến sự khỏe mạnh tinh thần của Obsessive lovers nhưng nguy hiểm là một dấu chỉ đánh thức nhu cầu thay đổi, nó đem lại cho bạn một cơ hội để tự giải phóng bản thân.

Phần lớn những Obsessive lovers tác giả gặp trong trị liệu tâm lý đến phòng tham vấn với hy vọng rằng nhà tham vấn sẽ giúp họ tìm ra một con đường để đem người yêu trở về với họ. Họ muốn nhà tham vấn “ sửa chữa “ lại con người của mình để Obsessive lovers trở nên quyến rũ hơn, đáng yêu hơn trong mắt người yêu. Nhưng không may là họ đã đi sai hướng. Mục đích của tham vấn không phải là để mang người yêu về với bạn mà là mang con người thật về lại với bạn.

Nếu bạn muốn giải thoát mình khỏi nỗi đau khổ của tình yêu ám ảnh thì bạn phải chuyển hướng sự chú ý của bạn từ người yêu sang bản thân mình. Khi mà bạn còn trao sự bình an nội tâm của mình vào tay người yêu, nếu người ấy chấp nhận bạn thì bạn như sống ở thiên đàng. Nếu người ấy từ chối bạn thì bạn như sống ở địa ngục. Bạn đã không công bằng với bản thân khi trao nhầm trách nhiệm làm mình hạnh phúc sang người khác. Nhưng nếu bạn tập trung vào bản thân, nếu bạn bắt đầu nhận trách nhiệm cho sự khỏe mạnh tinh thần về mình ở nơi mà nó thuộc về. Bạn thực hành điều này không phải với mục đích là mang người yêu về lại ( làm ơn đừng nhầm lẫn ). Chiến thắng quan trọng nhất của bạn là tái khám phá lại bản thân mình.

Trong 2 tuần lễ đầu tiên của quá trình chữa lành bản thân, tôi sẽ không yêu cầu bạn dừng ngay việc gặp người yêu hoặc là dừng suy nghĩ về người yêu. Tôi sẽ không yêu cầu bạn dừng ngay những hành động có tính chất ám ảnh này. Bạn có thể lo sợ rằng nếu bạn từ bỏ tình yêu ám ảnh này thì bạn sẽ từ bỏ tình yêu mãi mãi. Thay vào đó, chúng ta sẽ tiến hành việc này một cách từ từ, cẩn thận và không gây đau đớn.

Quan sát những ám ảnh của bạn:

Trước khi bạn có thể bắt đầu hành trình tự giải thoát bản thân khỏi những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi ám ảnh vì tình yêu, bạn phải trước hết nhận thức được chính xác chúng là gì và chúng ảnh hưởng đến bạn như thế nào.

Hành vi ảm ảnh của bạn bắt đầu từ những suy nghĩ và cảm xúc bạn có về người yêu. Mỗi lần bạn trở nên ám ảnh bởi những suy nghĩ về người yêu, tôi muốn bạn ghi lại những suy nghĩ đó. Nếu bạn chỉ có một suy nghĩ thoáng qua trong đầu thì bạn không cần phải ghi nó ra. Nhưng nếu suy nghĩ nào hay trở đi trở lại trong đầu bạn, gây lo lắng cho bạn thì bạn cần ghi ra. Mỗi lần ghi chú của bạn phải bao gồm ngày, giờ và trả lời 6 câu hỏi sau :

1. Điều gì gây ra những suy nghĩ này ? Để trả lời câu này, bạn phải nhận ra những kích thích nào xuất hiện, ví dụ như một âm thanh, mùi vị, một vật, một bộ phim, bản nhạc, một nơi chốn… tất cả những thứ khiến bạn nghĩ về đối tượng.

2. Tôi đã nghĩ gì? Cố gắng ghi súc tích lại những ý nghĩ, nó bao gồm : những ký ức, những tưởng tượng, mơ ước, ý kiến. Ví dụ: Tôi nhớ anh ấy uống rượu bằng cái ly này; Tôi tự hỏi anh ấy đang làm gì lúc này…

3. Tôi đã cảm nhận như thế nào? Những cảm xúc của bạn bao gồm: hạnh phúc, buồn, tức giận, tội lỗi, ghen tuông, lo lắng, hứng thú, sỉ nhục…

4. Tôi đã muốn làm gì? khi bạn có những cảm xúc như trên thì nó buộc bạn phải hành động, phải làm một cái gì đó, ví dụ như là gặp anh ấy, hay uống rượu…

5. Tôi đã làm gì?

6. Kết quả ra sao?

Điều quan trọng là phân biệt được giữa suy nghĩ và cảm xúc. Phần lớn chúng ta mắc sai lầm khi diễn đạt những suy nghĩ của mình như thể chúng là cảm xúc. Ví dụ : Chúng ta nói “ Tôi cảm thấy bộ phim này quá dài “. Nhưng thực ra thì không có cái cảm xúc gọi là “ Bộ phim quá dài”. Đó là một suy nghĩ. Cảm xúc về bộ phim có thể là: nhàm chán, thất vọng. Sau đây là vài ví dụ :

“Tôi cảm thấy người yêu của tôi đang nhìn ai đó “.
Suy nghĩ : Người yêu của tôi đang nhìn ai đó.
Cảm xúc : Sợ hãi, ghen tuông, tức giận.

“Tôi cảm thấy như thể chúng tôi sẽ trải qua quãng thời gian còn lại của cuộc đời ở bên nhau”
Suy nghĩ: Chúng tôi sẽ trải qua quãng thời gian còn lại của cuộc đời ở bên nhau.
Cảm xúc: Hy vọng, vui sướng, yêu thương.

Chỉ có một con đường duy nhất để giải thoát khỏi nỗi đau khổ của tình yêu ám ảnh: đó là chấm dứt “ hệ thống ám ảnh”. Hệ thống này bao gồm 3 yếu tố: những suy nghĩ ám ảnh, những cảm xúc ảm ảnh và những hành vi ám ảnh. 3 yếu tố đó đã nuôi dưỡng lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau: Những suy nghĩ tạo ra những cảm xúc, và cảm xúc dẫn đến hành động và hành động kích thích suy nghĩ nhiều hơn và nó khởi động lại vòng tròn này một lần nữa.

Chúng ta sẽ bắt đầu quá trình cắt đứt hệ thống ám ảnh này bằng cách tập trung trước tiên vào việc thay đổi những suy nghĩ và hành động của bạn. Bạn có thể thắc mắc tại sao tôi không làm việc trực tiếp với cảm xúc trước tiên. Tôi không có ý phủ nhận tầm quan trọng của cảm xúc nhưng đã có quá nhiều thân chủ tôi làm việc bao năm qua , họ thuyết phục mình rằng trước khi họ có thể bắt đầu công việc thì họ cần phải cảm thấy mạnh mẽ hơn và bớt lo âu hơn. Nói cách khác, họ dùng cảm xúc của họ như một cái cớ để trì hoãn không tiến hành những việc họ cần phải làm. Sự thực là, tiến hành hoạt động sẽ khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn, bình tâm hơn. Khi bạn thay đổi những suy nghĩ và hành động của mình, những cảm xúc của bạn- một phần của hệ thống – sẽ buộc phải thay đổi cùng với 2 thành tố kia.

Đối với Obsessive lovers thì cái ý nghĩ từ bỏ người yêu, từ bỏ cuộc theo đuổi đối tượng, ngay cả chỉ trong một thời gian ngắn, tưởng chừng như không thể làm được. Nó giống như việc yêu cầu họ ngừng thở. Giống như khi tôi làm việc với người nghiện rượu, khi tôi yêu cầu họ điều đầu tiên họ cần làm là dừng uống rượu, phản ứng đầu tiên của họ là “ Từ bỏ cái gì cũng được, trừ rượu”- anh ta có thể từ bỏ tất cả mọi thứ, trừ thứ anh ta cần nhất trên đời. Trường hợp này cũng giống như Obsessive lovers. Như thể là không có sự lựa chọ nào cả. Sau đây là vài ví dụ:

“ Tôi đã cố gắng dừng những hành động đó nhưng tôi không thể”.
“ Có cái gì đó đã kiểm soát tôi “
“ Tôi không thể làm được gì về việc này”

…Những phát biểu trên của Obsessive lovers là niềm tin của họ khi cho rằng họ không có sự lựa chọn, họ buộc phải hành động theo cách như vậy khi theo đuổi đối tượng.

Sự thực là, những hành vi ám ảnh của bạn không thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn chỉ là đang cảm nhận như vậy thôi. Cái niềm tin rằng bạn không thể kiểm soát được bản thân là một hình thức của phủ nhận mà nó cho phép bạn né tránh việc nhận lãnh trách nhiệm cho những hành động của mình. Chìa khóa để kiểm soát hành vi ám ảnh của mình đó là nhận ra rằng không phải có điều gì xảy đến với bạn, nó là sự lựa chọn của bạn.

Bạn cần chấm dứt những hành động sau:

Không xuất hiện trước mặt người yêu.
Không gọi điện thoại.
Không rình rập.
Không nhắn tin.
Không tặng quà.
Không vô tình lái xe ghé ngang qua nhà người yêu hoặc cơ quan của họ.

Khi bạn lựa chọn không thực hiện những cách thức như trên thì bạn sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Bạn có thể lựa chọn những hành động không có tính ám ảnh nếu bạn thực sự muốn. Điều đó không dễ dàng và nó trái ngược với mong muốn của bạn, nhưng nếu bạn nỗ lực thêm nữa, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi nó khiến bạn cảm thấy mình mạnh mẽ và bình tĩnh hơn.

Thay đổi hành vi của mình như thế nào.

Chú ý đến hành vi của bạn.

Chuyển những hành động có tính cưỡng bức sang những hành động có lựa chọn .

Nói chuyện với bạn bè , nhờ họ giúp đỡ. Vì khi bạn nói về vấn đề thì bạn sẽ ít có khả năng thực hiện chúng.

Chuyển hướng hành động. Khi bạn thấy thôi thúc thực hiện hành vi ám ảnh thì hãy chuyển hướng năng lượng tinh thần sang một hoạt động bổ ích hơn. Ví dụ như thập thể dục. Bạn có thể chuyển hướng những hành vi ám ảnh đó sang những hành động tốt cho sức khỏe của mình, và nó sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn về mặt cảm xúc.

Kiểm soát những suy nghĩ ám ảnh

Tránh những kích thích gây ra suy nghĩ ám ảnh. Bạn có thể nhận ra những kích thích gây ra suy nghĩ ám ảnh của mình bằng cách trả lời câu hỏi số một ở phần trên. Bạn có thể dấu đi hoặc vứt bỏ những vật dụng khiến bạn nhớ đến đối tượng.

Sự thực về mối quan hệ của bạn
Kiểm tra lại tình trạng mối quan hệ của bạn:

Mối quan hệ của bạn đã kết thúc nếu :

– Người yêu của bạn đã cắt đứt tất cả liên lạc với bạn.

Mối quan hệ của bạn không thể tiếp tục nếu:

1. Bạn phải chủ động liên lạc với người yêu.

2. Người yêu của bạn hiếm khi trả lời những cuộc điện thoại của bạn.

3. Sau khi chia tay bạn, người yêu của bạn muốn bắt đầu hoặc đã bắt đầu hẹn hò với người khác.

4. Cách duy nhất khiến người yêu của bạn dành thời gian cho bạn là khiến anh/cô ấy cảm thấy có lỗi hay thương hại bạn.

5. Sự ghen tuông, sở hữu, bạo lực và những hành động theo đuổi liên tục của bạn khiến người yêu của bạn tức giận hoặc sợ hãi.

6. Tình dục là thứ duy nhất bạn và người yêu thích khi ở bên nhau hoặc đó là thứ duy nhất 2 bạn làm với nhau.

7. Người yêu của bạn đã kết hôn với người khác, mặc dù người ấy hứa hẹn, nhưng họ vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ chia tay hay ly dị bạn đời.

8. Người yêu của bạn không chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính của bản thân và trông chờ bạn sẽ giúp họ thoát khỏi những rắc rối tài chính.

9. Người yêu của bạn có vấn đề với rượu, cờ bạc, thuốc phiện , không chịu trách nhiệm cá nhân cho những vấn đề của chính họ.

Bạn hãy trả lời trung thực những câu trên, đừng hợp lý hóa cho việc người yêu không muốn dành thời gian cho bạn bằng lý do kiểu như “ người ấy đang bận”… Câu đầu tiên chỉ gồm một item. Nếu bạn trả lời “có” nhưng bạn vẫn không từ bỏ ảo tưởng rằng bạn vẫn còn duy trì mối quan hệ với người yêu, thì đây là lúc đối diện với sự thật. Bất kể sự thật đau đớn ra sao, nhưng cuối cùng nó sẽ gây tổn thương ít hơn sự đau khổ mà bạn phải chịu đựng nếu bạn tiếp tục theo đuổi một người từ chối bạn.

Tôi muốn lưu ý với các bạn một vấn đề như thế này, nếu các bạn đọc xong bài viết và nghĩ rằng mình là một "Obsessive lover" hay đang bị "Obsessive lover" theo đuổi thì đừng quá lo lắng, hãy suy nghĩ về Hiệu ứng Forer khi bạn trả lời các câu hỏi được nêu trong bài viết. 

Hiệu ứng Forer đã được tôi đề cập trong bài viết vui "Chúng ta liệu có khác nhau?". Mặc dù, trong bài viết đó tôi không giải thích rõ về Hiệu ứng Forer là gì nhưng các bạn có thể tìm kiếm thông tin bằng Google.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!