Điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học – Phù hợp hay không phù hợp?

Leave a Comment

         Những ngày qua, vấn đề về việc công điểm hay không cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trên các trang báo và các diễn đàn, mạng xã hội. Hôm nay, tôi xin trình bày một vài quan điểm của mình liên quan đến vấn đề này:

        1. Muhammad Ali khi sinh ra đã có những kỹ năng để ông trở thành võ sĩ quyền anh cừ khôi, Micheal Jackson có giọng hát tuyệt vời và tư duy vũ đạo độc đáo… và hai người họ rất nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền nhưng đó là trong một xã hội ưa chuộng môn thể thao đấu quyền anh và âm nhạc. Nếu như cũng hai người đó, Ali và Jackson, không ở Mỹ mà ở một bộ lạc nào đó trên thế giới không cần tới hai kỹ năng này thì các bạn có nghĩ họ thành công như vậy hay không?
Như vậy, chính cộng đồng người quyết định trong các kỹ năng mà mẹ tự nhiên tạo ra thì cái nào được ưu tiên hơn. Sự phân bố tài năng thiên phú và sự ngẫu nhiên của hoàn cảnh xã hội là không công bằng và sự bất công này có tính tất yếu dù con người có sắp đặt sao đi nữa. Tuy nhiên, tôi cho rằng không thể lập luận điều này để cho rằng sự không bằng trong xã hội là một điều tất yếu, mọi kỹ năng mà mẹ tự nhiên tạo ra đều cần thiết trong cuộc sống, nếu chúng ta biết tận dụng và phân bố tới nơi cần thì ai cũng có thể phát huy triệt để khả năng của mình và mọi người đều có ưu thế của riêng mình.

         Milton Friedman (1912 – 2006) (các bạn lưu ý ông Friedman này không phải là tác giả của hai cuốn sách “Thế giới phẳng” và cuốn “Chiếc xe Lexus và cành Oliu”), cho rằng chúng ta không nên cố gắng khắc phục bất công này, thay vào đó chúng ta nên biết cách sống chung với nó, và hưởng những lợi ích nó mang lại: Cuộc sống vốn không công bằng, nhưng John Rawls (1921 – 2002) lại không đồng ý quan điểm này của Friedman, ông cho rằng sự bất công này có thể được giải quyết thông qua việc chia sẻ số phận với mọi người, những người có kỹ năng được ưu tiên tại thời điểm này có thể chia sẻ những ưu đãi mà mình có được từ xã hội cho những người khác.

          2. Phải thừa nhận rằng những người được sinh ra trong gia đình giàu có, học tập trong các ngôi trường tốt luôn có những lợi thế không công bằng so với những người khác. Được tiếp cận với môi trường giáo dục cấp tiến hơn những vùng khác. Nhưng cộng điểm ưu tiên cho thí sinh từ các vùng khác có làm giảm đi sự bất công trong các cuộc khảo thí? hay làm nảy sinh ra một sự bất công khác? Những người không được cộng điểm sẽ cho rằng mình bị phân biệt đối xử nhưng họ có chấp nhận sống tại miền quê nghèo bao năm để được cộng điểm ưu tiên không thì không ai dám khẳng định! (vui lòng không nghĩ tới tiêu cực, hãy nghĩ chúng ta đang sống trong một môi trường không có tiêu cực).

            3. Cộng điểm cho người dân tộc thiểu số? Tôi không biết lập luận của Bộ Giáo dục về vấn đề này như thế nào, nhưng trong cuốn sách Justice – What’s the right thing to do, Giáo sư Micheal J. Sendal có đề cập đến lập luận của Khoa luật Đại học Texas và Đại học Harvard như sau:
Khoa luật Đại học Texas: “…. Khoa luật có sứ mệnh là nâng cao sự đa dạng trong nghề luật ở Texas và cho phép người Mỹ gốc Phi và gốc Latin dám nhận vai trò lãnh đạo trong chính quyền và giới luật gia..”

Đại học Harvard: “…Nếu thành tích học tập xuất sắc là tiêu chí duy nhất hoặc tiêu chí chiếm ưu thế, Đại học Harvard sẽ mất đi rất nhiều sức sống và trí tuệ xuất sắc… Vì thế chất lượng của các hoạt động giáo dục dành cho tất cả sinh viên sẽ giảm sút..”

           Như vậy, quan điểm của hai trường đại học nêu trên đều dựa trên tiêu chí đa dạng sinh viên đầu vào, từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu… Vì một người từ châu Á sẽ mang đến đại học Harvard một điều gì đấy mà một người từ châu Âu không thể đem đến. Sự đa dạng về màu da, văn hóa, chủng tộc sẽ thúc đẩy sự phát triển đa dạng của cộng đồng người, tránh tình trạng lấn át của dân tộc này đối với dân tộc khác. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng việc cộng điểm ưu tiên cho người dân tộc thiểu số chính là sự thừa nhận sự bất bình đẳng giữa các dân tộc khác nhau trong cùng một quốc gia, khiến cho chính người thuộc dân tộc thiểu số cảm thấy như mình đang bị thương hại còn người không thuộc dân tộc thiểu số thì bị bất công làm cho mâu thuẫn lên cao, hơn là mang lại sự bình đẳng giữa các dân tộc.

           Ở Việt Nam, quy định về cộng điểm ưu tiên do Chính phủ quy định và Bộ Giáo dục thực hiện, tất cả các trường trong công lập hay ngoài công lập đều phải áp dụng, điều tôi băn khoăn là các trường đại học ở nước ta có ủng hộ chính sách này hay không? Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa đã giải thích tại sao khi trả lời phỏng vấn trên báo Vnexpress.net như sau:
            Quy định này nhằm đảm bảo công bằng cho học sinh, vì những em ở vùng miền núi, nông thôn sẽ không thể có điều kiện học tập tốt như thành phố. Cộng điểm cho các đối tượng cũng là một hình thức đền ơn, đáp nghĩa. Điểm ưu tiên, khuyến khích cũng được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
            Tuy nhiên, vấn đề này luôn có tranh cãi. Thế giới đã có nhiều phân tích, theo đó quá trình tuyển sinh dựa hoàn toàn vào điểm thi có nghĩa là thí sinh được so sánh theo cùng một tiêu chí, tuy nhiên như thế nội dung của bài kiểm tra có thể không phù hợp với một số nhóm nhất định, ví dụ, tập trung vào kiến thức hoặc trải nghiệm văn hóa mà họ chưa được tiếp cận. Vì vậy điểm của những bài kiểm tra đó không đánh giá chính xác kiến thức và khả năng thực sự của thí sinh. Việc đưa ra các đánh giá dựa hoàn toàn vào điểm thi có phần thiên vị, không thể hiện được sự so sánh công bằng về khả năng thực sự của các em. Vì thế có thể nói rằng quá trình tuyển sinh mà chỉ xem xét những điểm số này, mặc dù có lẽ tương đối khách quan, trên thực tế là không công bằng.

             Thứ hai, trên cả sự thiên vị cố hữu trong nội dung của câu hỏi, các kỳ thi có thể không công bằng cho một số nhóm học sinh không có điều kiện tiếp cận với các nguồn lực cần thiết để chuẩn bị đầy đủ cho kỳ thi này. Với các bài thi kiểm tra kiến thức đạt được ở trung học, học sinh ở các trường chất lượng thấp sẽ ít có khả năng thành công hơn những người học tại các trường chất lượng cao. Ở các nước với ngành công nghiệp luyện thi phát triển, học sinh không có điều kiện chi trả cho các lớp học và gia sư đắt tiền dường như bất lợi hơn nhiều.

              Cuối cùng, cần xem xét vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy công bằng xã hội. Trên thực tế, do học sinh thiểu số và những học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn ít có khả năng tiếp cận với các trường trung học chất lượng cao so với học sinh khá giả hơn, họ có thể phải phấn đấu nhiều hơn ở đại học và rút cuộc là không thành công lắm trong học tập. Nếu mục tiêu của quá trình tuyển sinh là tiếp nhận các thí sinh có khả năng tốt nhất và được chuẩn bị tốt cho thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, những học sinh thiểu số không phải là thí sinh có tiềm năng nhất. 

              Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chính những sinh viên này sau khi tốt nghiệp đại học, không kể đến khóa học và bằng cấp, sẽ có tác động lớn nhất về sự chuyển dịch xã hội và cải thiện tình trạng kinh tế. Vì nâng cao tình trạng kinh tế xã hội của các nhóm có hoàn cảnh khó khăn là mục tiêu phát triển dài hạn quan trọng ở nhiều quốc gia, không nên bỏ qua tác động tích cực hay tiêu cực tiềm năng của các thủ tục tuyển sinh ở các nhóm này.
           Thực tế cho thấy một chích sách chung khó lòng đảm bảo tính toàn diện, không kẻ hở và đối xử công bằng với tất cả mọi người là rất khó khi mà sự phân hóa rạch ròi giữa các nhóm người trong xã hội là không rõ ràng.Tuy nhiên, sự phản biện của xã hội đối với từng chính sách của Nhà nước là một tín hiệu đáng mừng và thiết nghĩ khi ban hành một chính sách nào đó đại diện chính quyền nên nêu lên những luận chứng để chứng minh sự đúng đắn của chính sách đó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn đọc khi trình bày quan điểm của mình về các vấn đề được nêu trong bài viết vui lòng chú ý những quy định sau:
1/ Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với văn hóa người Việt Nam.
2/ Không dùng những lời lẽ quá khích,trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3/ Gõ tiếng Việt có dấu.
4/ Nhận xét vi phạm sẽ bị xoá.
5/ Khuyến khích các bạn dùng địa chỉ e-mail cá nhân khi đăng nhận xét vào bài viết.
Thân ái!