Nhu cầu là một phần quan trọng trong bản chất của con người. Mọi giá trị, niềm tin và tập tục của con người là khác biệt tuỳ theo từng quốc gia hay từng nhóm người, tuy nhiên tất cả mọi người có những nhu cầu chung giống nhau.
Vào năm 1954, Abraham Maslow đã đưa ra đưa ra quan điểm về nhu cầu của con người và nhu cầu này được sắp xếp theo các thứ bậc khác nhau. Học thuyết của ông được dựa trên những con người khoẻ mạnh, sáng tạo, những người sử dụng tất cả tài năng, tiềm năng và năng lực trong công việc. Vào thời điểm đó, phương pháp này khác biệt với các công trình nghiên cứu tâm lý con người khác được dựa trên việc quan sát con người bị chi phối bởi các phiền muộn là chủ yếu.
Có hai nhóm nhu cầu chính của con người: Nhu cầu cơ bản (basic needs) và Nhu cầu bậc cao (meta needs). |
Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố thể lý như thức ăn, nước uống, ngủ nghỉ và các yếu tố tâm lý như cảm xúc, cảm giác an toàn, lòng tự tôn. Những nhu cầu cơ bản này cũng được gọi là các nhu cầu thiếu hụt (deficiency needs) vì nếu con người không có đủ những nhu cầu này, họ sẽ đấu tranh để có được nó, bù đắp bằng được sự thiếu hụt.
Các nhu cầu cao hơn được gọi là nhu cầu bậc cao hay nhu cầu hiện hành (nhu cầu phát triển). Những nhu cầu này bao gồm sự công bằng, lòng tốt, vẻ đẹp, thứ bậc, sự đồng lòng nhất trí, v.v… Các nhu cầu cơ bản thông thường bao giờ cũng được ưu tiên hơn những nhu cầu phát triển này. Ví dụ, một người nếu thiếu thức ăn hay nước uống sẽ không quan tâm đến các nhu cầu về sự công bằng hay vẻ đẹp.
Những nhu cầu con người được liệt kê theo một trật tự thứ bậc hình tháp. Những nhu cầu cơ bản ở phía đáy tháp nhu cầu (từ 1-4) phải được thoả mãn trước khi nghĩ đến các nhu cầu cao hơn. Bốn nhu cầu bậc cao (từ 5-8) có thể được thoả mãn không theo trình tự, tuỳ từng trường hợp nhất định trong từng hoàn cảnh hay mong muốn khác nhau của con người, miễn là tất cả các nhu cầu cơ bản ở dưới đã được đáp ứng đầy đủ.
Tháp nhu cầu của Maslow:
8. Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self-transcendence): Một trạng thái siêu vị kỷ (xem Chú giải ở dưới) hướng đến trực giác siêu nhiên, lòng vị tha, hòa hợp bác ái. (Trạng thái siêu vị kỷ (Transegoic) có nghĩa là trạng thái phát triển tinh thần cao hơn, huyền bí, tâm linh. Chữ trans có liên quan đến transcendence (tính vượt trội, siêu việt), trong khi chữ ego (cái tôi) có liên quan đến công trình của Freud. Chúng ta đi từ mức preEGOic (cái tôi sơ khởi) tới mức EGOic (cái tôi) để rồi đến transEGOic (cái tôi vượt trội). Từ EGO (cái tôi) trong cả ba khái niệm đều được sử dụng trong sự tự nhận thức, đối lập với tiềm thức. Cái tôi tương tự như tính cách cá nhân, nhân cách. Lúc đầu, trong mô hình của Maslow, mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là thể hiện bản thân (self-actualization), đây là mức không bao giờ có được một cách đầy đủ nhưng là điều gì đó con người luôn đấu tranh để có được. Maslow sau này phát triển lý thuyết rằng, mức này chưa phải là tận cùng, tháp tiếp tục được nâng thêm một bậc nữa là sự vượt trội hơn mọi người (self-transcendence), nó đưa chúng ta đến mức tối cao về tinh thần như Gandhi, mẹ Theresa, Đạt Lai Lạt Ma, hay thậm chí các nhà thơ, chẳng hạn như Robert Frost. Mức cao nhất này của Maslow ghi nhận những nhu cầu của con người dành cho luân lý, sáng tạo, lòng trắc ẩn và tâm linh. Nếu không có cảm giác tâm linh hay transegoic (cái tôi vượt trội), chúng ta đơn giản chỉ là động vật hay những máy móc mà thôi. Thêm vào đó, giống như đối với sự thể hiện bản thân nhất thời (temporary self-actualizations); chúng ta cũng có đỉnh điểm kinh nghiệm với sự vượt trội của cái tôi (self-transcendence). Đó chính là những khoảnh khắc sáng tạo tâm linh của chúng ta.)
7. Nhu cầu về tự thể hiện bản thân (Self-actualization): Biết chính xác bạn là ai, bạn đang đi đâu và bạn muốn hoàn thành những gì. Một trạng thái của sự thành đạt.
6. Nhu cầu về thẩm mỹ (Aesthetics): Sự yên bình, ham muốn hiểu biết về những gì thuộc nội tại.
5. Nhu cầu về nhận thức, hiểu biết (Cognition): Học để hiểu biết, góp phần vào kiến thức chung.
4. Nhu cầu được quý trọng, kính mến (Esteem): Cảm thấy được thăng tiến trong đời, được công nhận và ít băn khoăn về năng lực bản thân.
3. Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (Belongingness and love): Muốn được thuộc về một nhóm, muốn có gia đình, bạn bè thân hữu tin cậy.
2. Nhu cầu về an toàn (Safety): Cảm giác yên tâm không phải lo sợ trước những nguy hiểm cận kề.
1. Nhu cầu về sinh lý (Physiology): Thức ăn, nước uống, nơi trú chân, tình dục.
Maslow cho rằng con người muốn và luôn đấu tranh để thoả mãn những nhu cầu khác nhau. Xuất phát từ việc những mức nhu cầu bậc thấp bao giờ cũng cấp thiết và quan trọng hơn, nên chúng sẽ đóng vai trò như nguồn và định hướng của một mục tiêu cá nhân nếu những nhu cầu này không được thoả mãn.
Sau khi những nhu cầu bậc thấp được thoả mãn, những nhu cầu cao hơn sẽ là động cơ hành động. Những nhu cầu chưa được thỏa mãn ở bậc dưới sẽ lấn át những nhu cầu chưa được thỏa mãn ở bậc cao hơn, và chúng cần được thỏa mãn trước khi một cá nhân tiến lên các bậc cao hơn của tháp nhu cầu.
Lưu ý: Tháp nhu cầu của Maslow cũng có thể được trình bày dưới dạng kim tự tháp 5 tầng: Nhu cầu Sinh lý, Nhu cầu An toàn, Nhu cầu Tình cảm, Nhu cầu Tự tôn và Nhu cầu Phát triển.
Trên đây là một trong vô số bài viết mà các bạn có thể tìm kiếm bằng Google để tìm hiểu về tháp nhu cầu Maslow, và tôi chọn 01 trong số đó để đưa vào bài viết vì theo tôi đoạn trích trên rất ngắn gọn và đủ ý về tháp nhu cầu Maslow.
Liên quan đến tính đúng đắn của tháp nhu cầu Maslow cũng có nhiều tranh cãi và quan điểm trái chiều nhau, ủng hộ có, đả kích có, phản bác có… Và đó như là một điều tất nhiên khi chúng ta ủng hộ phản biện xã hội, ngay cả các định luật của Newton cũng tồn tại tính tương đối khi xem xét sự đúng đắn của nó, thì tháp nhu cầu của Maslow về vấn đề tâm sinh lý con người vốn rất phức tạp mà gặp phải những vấn đề trên thì cũng không có gì là bất thường.
Theo quan điểm của tôi thì không tồn tại ranh giới rõ ràng giữa các tầng tháp (bậc nhu cầu) với nhau và các tầng này thay thế nhau chi phối hành vi của con người nên không thể xét chúng ta đang ở đâu trong các bậc của tháp nhu cầu của Moslow mà chỉ xét tại một thời điểm nhất định đối với một các nhân cụ thể. Tuy nhiên, tôi ủng hộ lập luận rằng các nhu cầu căn bản chi phối các nhu cầu bậc cao.
Bạn thấy đấy, chúng ta không thể học tập, cống hiến với một cái bụng đói meo được như ông bà ta vẫn dạy “có thực mới vực được đạo”, chính vì vậy cho dù bạn là Giáo sư, Tiến sĩ… đi chăng nữa thì lúc bạn đói bạn vẫn bị nhu cầu căn bản chi phối buộc bạn phải đáp ứng trước cũng giống như tôi một người bình thường khi đói cũng phải tìm kiếm thức ăn.
Một điểm nữa, mỗi người có một ngưỡng khác nhau về nhu cầu. Ví dụ với tôi một bữa tối có thể chỉ cần một ổ bánh mì là được nhưng với người khác họ cần một tô phở, một bữa cơm đầy đủ các món. Đối với tôi một ngày chỉ cần tắm một lần là được nhưng với nhiều người họ cần tắm từ 02 lần trở lên… và tôi thực sự quan ngại về việc lãng phí nước ngọt khi chúng ta tắm từ 02 lần trở lên, mặc dù có bằng cho rằng tồn tại một lượng nước không lồ cách bề mặt trái đất hơn 600km, tin tôi đi con người có tồn tại được cho đến khi phát triển công nghệ khai thác được nguồn nước nói trên hay không là một dấu hỏi lơn chưa có lời đáp.
Nói như thế vì tôi cho rằng chúng ta không khác nhau về loại nhu cầu, chúng ta chỉ khác nhau về ngưỡng, mức của các nhu cầu và trong chính chúng ta ngưỡng nhu cầu cũng sẽ thay đổi theo thời gian như tôi đã ví dụ ở trên.
Trong đời sống hàng ngày, mỗi hành vi chúng ta thực hiện đều bị chi phối bởi các nhu cầu trên, nhưng không thể xét sự tác động này trong một quãng thời gian mà chỉ thể xét tại một thời điểm nhất định nhu cầu nào đang chi phối mạnh mẽ nhất. Việc đoán biết được điều này giúp bạn có rất nhiều lợi thế trong việc điều khiển người khác hoặc có thể đọc vị được họ đang nghĩ gì, tuy nhiên không phải ai hiểu về tháp nhu cầu của Maslow đều có thể làm được điều này (bạn có thể đọc thêm các bài viết về thuật đọc nguội bằng cách tìm kiếm thông tin thông qua Google)
Mặc dù tôi cho rằng không có việc chi phối lên hành vi của một nhu cầu là xuyên xuốt, liên tục đối với một người trong một khoảng thời gian mà chỉ có thể xét tại một thời điểm nhưng tần xuất chi phối thì có thể đoán biết được. Ví dụ nhu cầu về thức ăn không quá quan trọng với Bill Gate vì tới tài sản của ông ta thì việc đáp ứng như cầu này quán đơn giản nên nhu cầu căn bản này không chi phối nhiều đến hành vi của ông ta nếu xét trong một khoảng thời gian. Nhưng nếu cũng là là Bill Gate nhưng ông ta bị lạc tới đảo hoang như Robison thì nhu cầu về thức ăn sẽ chi phối ông ta nhiều nhất. Như vậy, có thể thấy rằng dựa trên địa vị, tài sản và vị trí của một người trong xã hội chúng ta có thể đoán biết được họ đang bị nhu cầu nào chi phối với vị trí chủ đạo.
Và sự ham muốn thõa mãn các nhu cầu trong tháp Maslow của mỗi người cũng khác nhau, thúc đẩy chúng ta phải cố gắng đáp ứng các nhu cầu đó, nhưng may thay tồn tại trong mỗi chúng ta có một thứ mà chúng ta thường gọi bằng cái tên mỹ miều “Tòa án lương tâm” để ngăn cản chúng ta khi đi lệch chuẩn, đạt được mục đích với bất kỳ thủ đoạn nào. Tuy nhiên, không phải tòa án lương tâm nào cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ khi cám dỗ tác động lên ý chí là quá lớn thì việc đoàn tàu bị lệch đường ray cũng không phải quá hiếm.
Cảm ơn anh rất nhiều vì bài viết thật tuyệt vời.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết của mình!
Xóa