Một số vướng mắc đối với Bộ luật Tố tụng dân sự 2015


Vướng mắc 1: Nguyên đơn không cung cấp được bản vẽ đo đạc thửa đất tranh chấp

Điều kiện để Tòa án thụ lý yêu cầu tranh chấp đất đai là người khởi kiện phải cung cấp kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và biên bản hòa giải tại UBND cấp xã. Như vậy, sau khi xem xét nội dung đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đã đầy đủ thì Tòa án phải ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện và tiến hành thụ lý vụ án nếu người khởi kiện đã nộp biên lai đóng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đúng thời hạn quy định.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp đất đai Tòa án luôn yêu cầu đương sự phải ký kết hợp đồng dịch vụ đo đạc với cơ quan, đơn vị có chức năng đo đạc (thường là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai) để cung cấp bản vẽ trích đo địa chính đối với diện tích đất tranh chấp. Và rõ ràng rằng nếu người khởi kiện không ký hợp đồng đo đạc và không cung cấp bản vẽ trích đo địa chính đối với diện tích đất tranh chấp thì giải quyết thế nào? 

Trước hết cần làm rõ ý nghĩa của bản vẽ trích đo địa chính. Bản vẽ trích đo địa chính thể hiện diện tích đất tranh chấp, vị trí địa lý của thửa đất để Tòa án có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp các tài liệu, chứng cứ về diện tích đất tranh chấp để xác định đúng người có quyền sử dụng đất đó. Bên cạnh đó, bản vẽ trích đo địa chính là tài liệu quan trọng để làm căn cứ xem xét, thẩm định tại chổ và định giá tài sản tranh chấp.

Căn cứ như trên thì nếu người khởi kiện yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất đối thửa đất đã được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người bị kiện thì Tòa án có cần yêu cầu người khởi kiện ký kết hợp đồng đo đạc hay không bởi lẽ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thể hiện đầy đủ các thông tin về diện tích và vị trí địa lý của thửa đất? Có quan điểm cho rằng, tranh chấp đất đai là buộc phải tiến hành đo vẽ vì có thể khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND cấp huyện đo vẽ sai lệch với diện tích thực tế. Tuy nhiên, việc người khởi kiện và đơn vị cung cấp dịch vụ tiến hành đo đạc phục vụ cho mục đích khởi kiện khác với việc đo đạc của UBND cấp huyện khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo hợp đồng đo vẽ mà Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hàm Tân ký kết với người khởi kiện thể hiện người khởi kiện có nghĩa vụ chỉ ranh, cắm mốc. Như vậy, bản vẽ trích đo địa chính là theo sự chỉ ranh, cắm mốc của người khởi kiện còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp là theo sự chỉ ranh của người được cấp (thường là bị đơn). 

Việc, diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng được cấp có sai lệch với diện tích thực tế không ảnh hưởng, mất đi khi Tòa án ra phán quyết về vụ án, bởi lẽ Tòa án quyết định quyền và lợi ích hợp pháp của các bên dựa trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do một cơ quan quản lý hành chính có thẩm quyền (UBND cấp huyện) cấp. Nếu sau khi các bên được Tòa án công nhận quyền sử dụng đất tiến hành đo đạc lại và thấy sai lệch so với thực tế thì có quyền khiếu nại cá nhân, tổ chức có thẩm quyền hoặc khởi kiện một vụ án hành chính tại Tòa án. Đối với các vụ án tranh chấp đất đai thông thường, Tòa án có thể xác định UBND huyện là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đề nghị UBND huyện làm rõ lý do sai lệch giữa diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kết quả đo đạc thực tế nhưng đối với vụ án tranh chấp tài sản chung thì Tòa án thông thường không xác định UBND huyện là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên UBND huyện không có nghĩa vụ giải thích lý do có sự khác biết vì việc đo đạc này độc lập và không liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận trong công tác quản lý hành chính của UBND. Ngoài ra, chỉ khi nào xác định chắc chắn cần thiết phải hủy thì Tòa án mới xác định tư cách tố tụng của UBND là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (theo quy định của Điều 32a Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 thì cần phải có yêu cầu của đương sự) nhưng lúc này thì việc đo đạc đã được tiến hành.

Trường hợp, diện tích đất tranh chấp thỉ là một phần của thửa đất được cấp hoặc diện tích đất tranh chấp (hoặc một phần) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần phải tiến hành đo đạc để xác định đúng diện tích và vị trí địa lý của phần đất tranh chấp.

Nhưng vấn đề đặt ra là nếu người khởi kiện không đồng ý ký kết hợp đồng đo đạc thì Tòa án giải quyết thế nào? Về điều kiện thụ lý vụ án, người khởi kiện đã đáp ứng đủ điều kiện, việc ký kết hợp đồng đo đạc với đơn vị đo đạc là hợp đồng dịch vụ và không có sự tham gia của Tòa án như vậy đây không phải là biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự. Và Tòa án không thể đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 vì đương sự không nộp tiền chi phí đo đạc đất đai được vì đây không phải là chi phí xem xét, thẩm định tại chổ, định giá tài sản hay các chi phí tố tụng khác.

Do vậy, thiết nghĩ cần thiết phải quy định bản vẽ trích đo địa chính là tài liệu cần thiết để thực hiện yêu cầu khởi kiện. Trong trường hợp đất tranh chấp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất tranh chấp thì là một phần của thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và người khởi kiện không trực tiếp quản lý đất, không thể phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để cung cấp bản vẽ trích đo địa chính thì sau khi Tòa án thụ lý vụ án yêu cầu Tòa án tạo điều kiện để thu thập chứng cứ (khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Vướng mắc 2: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc cho phép Tòa án khi giải quyết vụ án dân sự được quyền hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự một cách triệt để nhưng sự thay đổi về thẩm quyền xem xét quyết định hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện đã tạo nên nhiều quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ án dân sự tranh chấp đất đai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quan điểm 1: Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên nếu các bên không có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trừ trường hợp có căn cứ chắc chắn việc cấp giấy chứng nhận là sai và cần thiết là phải hủy thì chuyển vụ án lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Quan điểm này có một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự đã loại bỏ hai điều kiện để Tòa án có thể xem xét hủy quyết định các biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Nghĩa là, trong mọi trường hợp tranh chấp đất đai mà có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải xác định UBND là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Như vậy, chỉ khi đương sự có yêu cầu hủy thì Tòa án nhân dân cấp huyện mới chuyển lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết là không đúng với tinh thần của Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc, Tòa án cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết vụ án nếu như xét thấy không cần thiết phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không chuyển vụ án lên Tòa án nhân dân tỉnh thì vô hình chung tạo cho người dân thấy được rằng kết quả vụ án đã được ấn định trước khi mở phiên tòa, đi ngược lại với tinh thần đẩy mạnh chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và thẩm quyền xem xét, quyết định kết quả vụ án là thuộc về Hội đồng xét xử chứ không phải của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.

Trường hợp đã mở phiên tòa xét xử, đương sự cung cấp được tài liệu chứng cứ mới và việc cung cấp tài liệu, chứng cứ này là phù hợp với quy định tại Điều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được Hội đồng xét xử chấp thuận nhưng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ này thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện là không đúng và cần thiết phải hủy thì mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Hội đồng xét xử quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết nhưng Tòa án cấp tỉnh không đồng tính với quyết định của Hội đồng xét xử Tòa án cấp huyện, không chấp nhận quyết định chuyển hồ sơ vụ án, trả hồ sơ về Tòa án nhân dân cấp huyện tiếp tục giải quyết như vậy sẽ rất phức tạp và gây khó khăn cho đương sự.

Liên quan đến thời gian thụ lý yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đương sự trong vụ án, có quan điểm cho rằng nếu thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết nhưng điều này là không phù hợp với Điều 1 Nghị quyết 103/2015/QH13 và nếu cần thiết phải hủy thì Tòa án nhân dân cấp huyện cũng không thể hủy được vì không đúng thẩm quyền theo điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.

Quan điểm 2: Tất cả các vụ án dân sự về tranh chấp đất đai có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính vì chỉ có Tòa án nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền xem xét việc hủy quyết định cá biệt của Chủ tịch UBND cấp huyện và UBND cấp huyện. Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xem xét thì không thể xác định đúng hay không đúng nên không thể xác định được có nên hủy hay không đối với quyết định của Chủ tịch và UBND cấp huyện.

Tuy nhiên, việc này vô hình chung đã làm giảm thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện và tăng khối lượng công việc của Tòa án nhân dân tỉnh vì tranh chấp dân sự về đất đai hiện nay đều có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều này sẽ khiến cho Tòa án nhân dân tỉnh bị quá tải.

Do vậy, cần có quy định cụ thể để việc giải quyết vụ án được thống nhất.
 

Tâm lý học trong phim hoạt hình "Inside out"

Năm năm trước, tác giả và đạo diễn Pete Docter của Pixar đã liên hệ với chúng tôi để nói về ý tưởng của một bộ phim trong đó mô tả cách thức các cảm xúc hoạt động trong đầu óc chúng ta và đồng thời định hình cách chúng ta phản ứng với những người xung quanh. Peter Doctor muốn diễn tả tất cả những điều đó trong tâm trí của một cô bé 11 tuổi khi cô đang phải trải qua những ngày khó khăn trong cuộc sống của mình. Với tư cách những nhà khoa học nghiên cứu về cảm xúc trong nhiều thập kỷ, chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi được hỏi ý kiến. Cuối cùng, chúng tôi trở thành các cố vần khoa học cho bộ phim “Inside Out” đang được trình chiếu. 

Nguồn: Internet
  Cuộc đối thoại của chúng tôi với Peter Docter và nhóm làm phim chủ yếu xoay quanh việc khoa học liên hệ như thế nào đến tâm điểm của bộ phim: Cách thức cảm xúc chi phối dòng dòng ý thức ra sao? Cảm xúc “tô màu” cho các ký ức quá khứ của chúng ta như thế nào? Cuộc sống cảm xúc của một bé gái 11 tuổi sẽ có những điều gì? (Các nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm về những cảm xúc tích cực bắt đầu tuột dốc về cả tần suất lẫn cường độ ở độ tuổi này.) “Inside Out” là câu chuyện về 5 loại cảm xúc – được nhân hóa thành các nhân vật Giận Dữ, Chán Ghét, Sợ Hãi, Buồn Bã và Vui Vẻ – vất vả kiểm soát tâm trí của cô bé Riley 11 tuổi trong giai đoạn chuyển nhà đầy khó khăn từ Minnesota tới San Francisco. (Một trong hai chúng tôi đã đề nghị đưa tất cả những cảm xúc hiện đang được nghiên cứu vào trong bộ phim nhưng Docter đã từ chối vì đơn giản rằng câu chuyệ nchỉ có thể chứa tối đa năm hay sáu nhân vật mà thôi.).

 Tính cách chủ yếu của Riley là Vui Vẻ, điều này cũng phù hợp với những hiểu biết khoa học của chúng tôi. Nghiên cứu cho thấy căn tính của chúng ta được định hình bằng những cảm xúc cụ thể, chúng nhào nặn nên cách ta tri giác thế giới, thể hiện bản thân và khơi dậy những cách thế phản ứng nơi người khác. Tuy nhiên, ngôi sao của bộ phim lại là Buồn Bã. “Inside Out” là bộ phim về mất mát và những điều chúng ta cảm nhận khi buồn bã. Riley mất bạn bè và ngôi nhà quen thuộc của mình khi đi khỏi Minnesota. Hơn thế nữa, cô bắt đầu bước vào tuổi “tiền vị thành niên” với đặc điểm là việc mất dần tuổi thơ. Chúng tôi có thể có một chút băn khoăn với cách buồn bã được mô tả trong “Inside Out”. Buồn Bã là một nhân vật chậm chạp, chán nản mà Vui Vẻ phải kéo đi khắp nơi trong tâm trí Riley. 

Trong thực tế, nghiên cứu cho thấy buồn bã có mối liên hệ với việc làm gia tăng những kích thích về mặt thể lý, kích hoạt cơ thể hoạt động đáp ứng trước những mất mát. Trong bộ phim, Buồn Bã trông rất lôi thôi, xấu xí. Trong khi thực tế cho thấy người buồn bã lại có sức hút những người khác đến với mình để an ủi và giúp đỡ. Thế nhưng, đặt những băn khoăn đó qua một bên, hình ảnh của Buồn Bã trong bộ phim đã thể hiện được hai cách nhìn trọng tâm của khoa học về cảm xúc. Đầu tiên, cảm xúc tổ chức – chứ không phải cản trở – suy nghĩ lý trí. 

Theo truyền thống tư duy Tây Phương, quan điểm phổ thông cho rằng cảm xúc là kẻ thù của lý trí và làm gián đoạn những mối quan hệ hợp tác xã hội. Dù vậy, thực tế thì cảm xúc định hướng cách chúng ta tri giác thế giới, các ký ức quá khứ của chúng ta và thậm chí đánh giá đạo đức về những điều đúng-sai. Đa phần, chúng sẽ dẫn dắt chúng ta theo những cách thế giúp ta đáp trả hiệu quả với tình huống hiện tại. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy khi chúng ta tức giận, chúng ta thường ngay lập tức nhận ra những điều bất công, điều này giúp kích hoạt các hành động giúp khôi phục công bằng. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong “Inside Out”. 

Buồn Bã dần dần giành quyền kiểm soát tiến trình suy nghĩ của Riley về những thay đổi cô phải trải qua. Điều này được thể hiện rõ nhất khi Buồn Bã tô đậm thêm màu xanh vào ký ức của Riley về quãng đời ở Minnesota. Nghiên cứu khoa học cho thấy những cảm xúc hiện tại định hình những gì chúng ta nhớ về quá khứ. Đây chính là chức năng tối quan trọng của Buồn Bã trong phim: nó giúp Riley nhận ra những thay đổi, những mất mát mình có, tạo nền móng để cô phát triển những phương diện mới trong căn tính của mình. Thứ hai, cảm xúc tổ chức – chứ không phải cản trở – cuộc sống xã hội của chúng ta. 

Nghiên cứu đã phát hiện rằng cảm xúc tạo nên cấu trúc (chứ không chỉ là tô màu) những tương tác xã hội khác nhau như việc gắn bó giữa cha mẹ và con cái, những mâu thuẫn anh em, tình cảm tuổi mới lớn và cả những trao đổi giữa hai người thù ghét nhau. Các nghiên cứu khác thì cho thấy chính giận dữ (nhiều hơn cả ý thức về chính trị) khiến tập thể xã hội đứng lên biểu tình và chống đối bất công. Một trong những nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện cho thấy biểu hiện xấu hổ kích hoạt lòng tha thứ nơi người khác khi chúng ta lỡ có hành động vi phạm các quy tắc xã hội. Chính điều này cũng được cường điệu hóa tron bộ phim. 

Bạn có thể cho rằng buồn bã là một trạng thái có đặc điểm tĩnh lặng, thụ động, thiếu vắng những hành động có chủ đích. Tuy nhiên trong “Inside Out”, cũng như trong thực tế cuộc sống, buồn bã thúc đẩy con người đến với nhau nhằm phản ứng lại trước những mất mát. Chúng ta thấy điều này khi Riley nổi giận, rời khỏi bàn ăn, bỏ lên lầu và nằm một mình trong căn phòng tối, để lại người bố băn khoăn không biết phải làm gì. Về cuối bộ phim, chính Buồn Bã đã đưa Riley trở lại với cha mẹ, nó có liên quan tới việc tiếp xúc và những thanh âm cảm xúc mà chúng tôi gọi là “vocal burst”, chúng thể hiện niềm vui sâu sắc khi đoàn tụ, đây là điều đã được một trong hai chúng tôi nghiên cứu trong phòng thực nghiệm. “Inside Out” đưa đến một cái nhìn mới với nỗi buồn. 

Quan điểm mới của bộ phim là: Hãy ôm lấy nỗi buồn, hãy để nó được bộc lộ và hãy kiên nhẫn làm việc với những khó khăn cảm xúc của trẻ vị thành niên. Buồn bã sẽ soi tỏ những mất mát (trong tuổi thơ) và đưa gia đình đến với những điều mới mẻ: những đặc điểm mới được hình thành, cho cả con cái và cha mẹ. Tác giả: Dacher Keltner là giáo sư tâm lý học tại ĐH California Berkeley Paul Ekman là giáo sư tâm lý danh dự thuộc ĐH California, San Francisco 

Nguồn: New York Times
Nguồn dịch: Hành lang tâm lý

Những lý thuyết không lãng mạng về tình yêu

Tại sao chúng ta bị thu hút trước một người nào đó và không bị thu hút trước những người khác? Điều gì làm chúng ta bắt đầu yêu và duy trì tình yêu? Các nhà thơ tìm tòi sự huyền bí của tình yêu với những bài thơ trữ tình, các nhạc sĩ tìm cách nắm bắt bản chất tinh tế của tình yêu trong bài hát, và nhiều người khác cảm thấy tình yêu của họ được truyền cảm hứng thần thánh. Ngược lại, các nhà tâm lý học nhân cách và xã hội phân chia tình yêu thành những hình dạng, màu sắc và phương trình đơn giản như được miêu tả ở dưới. Những lý thuyết đó dường như làm giảm tình yêu xuống thành một thứ gì đó trần tục và không thú vị, nhưng bản thân chúng cũng có tính thanh lịch.

1. Tam giác tình yêu

103139-100545

Theo Lý thuyết tam giác tình yêu (2004) của Robert Sternberg, tình yêu bao gồm 3 yếu tố, tính thân mật (gần gũi cảm xúc), đam mê (thu hút tình dục và lãng mạn) và sự cam kết. Hình thức lý tưởng của tình yêu cho một cặp đôi (Tình yêu trọn vẹn) bao gồm cả 3 yếu tố, nhưng nó không dễ duy trì vì ngọn lửa đam mê có xu hướng phai tàn theo thời gian. Sternberg cũng mô tả 6 kiểu kết hợp khác.
  • Tình yêu lãng mạn bao gồm sự thân mật và đam mê mà không có sự cam kết và thường phổ biến trong những năm tháng tuổi thanh thiếu niên.
  • Tình yêu bầu bạn bao gồm sự thân mật và cam kết mà không có đam mê và thường phổ biến ở những người bạn thân và đôi lúc ở những cuộc hôn nhân dài hạn.
  • Tình yêu mê đắm chỉ bao gồm sự đam mê và thường xuất hiện ở giai đoạn bắt đầu của một mối quan hệ.
  • Tình yêu trống rỗng bao gồm sự cam kết mà không có sự thân mật hoặc đam mê, như trong một cuộc hôn nhân được sắp đặt – nhưng nó có thể phát triển thành những hình thức khác của tình yêu theo thời gian.
  • Cuối cùng, tình yêu ngu ngốc, ví dụ như đính hôn sau khi hẹn hò được 3 tuần – nó bao gồm sự đam mê và cam kết nhưng không có sự thân mật sâu sắc hơn.

2. Bánh xe màu sắc

103139-100546
 John Lee (1973) xác định 6 kiểu tình yêu và chỉ về chúng như “những sắc màu của tình yêu”, dù chúng không tương ứng với những màu sắc thực.
  • Kiểu thứ nhất, Eros, được đặc trưng bởi sự lý tưởng hóa về đối tác của một người và những cảm xúc lãng mạn mãnh liệt.
  • Ludus được đặc trưng bởi một nhu cầu về sự phấn khích và một quan điểm xem tình yêu như một trò chơi – nghiên cứu cho rằng đàn ông có nhiều khả năn hơn phụ nữ, có kiểu tình yêu này.
  • Storge được đặc trưng bởi tình bạn và sự ổn định, giống với tình yêu bầu bạn của Sternberg.
  • Pragma được đặc trưng bởi những xem xét thực tế, ví dụ như một “danh sách” những phẩm chất. Storge và pragma thường phổ biến hơn ở phụ nữ.
  • Mania bao gồm sự ám ảnh, ghen tuông và những cảm xúc lên lên, xuống xuống cực đoan.
  • Agape chỉ về lòng yêu thương vô điều kiện và quên mình.

3. Hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần.

Đây là một trong những khái niệm không quên được nhất từ lớp học tâm lý học đầu tiên của tôi và có lẽ là lý thuyết tình yêu không lãng mạn nhất trong tất cả các lý thuyết. Hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần được khám phá bởi Robert Zajonc (1968) nói về xu hướng thích những thứ quen thuộc với chúng ta – đó là, những người và vật mà chúng ta tiếp xúc thường xuyên nhất. Hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần giúp giải thích về sự gần gũi (propinquity), quan điểm cho rằng một trong những yếu tố quyết định chính của sự thu hút liên nhân cách là sự ở gần về mặt vật lý. Trong một loạt nghiên cứu nổi tiếng được tiến hành bởi Leon Festinger và những người khác (1950), sự phát triển của những tình bạn trong một dãy phòng có liên quan trực tiếp đến khoảng cách giữa các phòng – con người có nhiều khả năng trở thành bạn bè với những người hàng xóm sống gần họ hơn, và những người họ tình cờ gặp thường xuyên hơn trên đường đi xuống cầu thang hoặc đi đến hòm thư. Dù có một số mức độ của sự ngẫu nhiên và may mắn trong những mối gắn bó chúng ta hình thành, thì điều này không có nghĩa là những mối quan hệ dựa trên sự ở gần là kém chân thành và ý nghĩa. Nhưng nó cho rằng chúng ta có thể có một cuộc sống hoàn toàn khác nếu chúng ta sống ở một căn phòng khác trong kí túc xá đại học.

4. Sự thu hút mô phỏng.

Những thứ trái ngược nhau thì thu hút nhau hay là những thứ giống nhau thu hút nhau? Nghiên cứu cho rằng cái thứ hai thường đúng hơn. Con người bị thu hút nhiều hơn trước những người giống bản thân họ theo nhiều cách, từ tính cách cho đến niềm tin tôn giáo đến ngoại hình, và những cặp vợ chồng giống nhau nhiều có xu hướng hạnh phúc hơn. Trong một nghiên cứu, những người tham gia thông báo họ bị thu hút nhiều nhất trước những phiên bản mô phỏng về những khuôn mặt của riêng họ (dù diễn giải của phát hiện này gây tranh cãi). Dù có những lợi thế của sự phong phú về di truyền thì nó cũng có những bất lợi xã hội. Một cặp đôi trông càng giống nhau, thì người cha càng dễ dàng nhận ra liệu một đứa bé có phải con của anh ta không, điều đó có thể ủng hộ lập luận từ quan điểm tiến hóa về sự thu hút trước những người giống bạn về ngoại hình.

5. Phương trình cam kết.

Bạn cam kết với đối tác của bạn như thế nào? Nghiên cứu cho rằng nó phụ thuộc vào 3 yếu tố chính:
1) bạn đầu tư vào mối quan hệ như thế nào (ví dụ, những mất mát của bạn khi rời mối quan hệ là gì),
2) bạn nhận được từ mối quan hệ nhiều như thế nào, và
3) liệu có những người thay thế quyến rũ.
Caryl Rusbult phát triển Mô hình đầu tư bằng cách nghiên cứu những quỹ đạo mối quan hệ của các sinh viên đại học – trong những phân tích thống kê, 3 yếu tố đó nổi lên như những yếu tố dự báo về sự cam kết mạnh mẽ nhất. Đây là phương trình:
Sự cam kết = Đầu tư + (phần thưởng – phí tổn) – những lựa chọn thay thế hấp dẫn
Mô hình đầu tư giúp giải thích tại sao con người có thể ở trong mối quan hệ không hạnh phúc hoặc bạo hành – có thể bao gồm con cái, sự phụ thuộc tài chính hoặc thiếu sự giúp đỡ bên ngoài của xã hội. Nó cũng có thể giải thích tại sao người có quá nhiều lựa chọn thay thế hấp dẫn có sẵn đôi lúc gặp khó khăn với việc cam kết.
Dù không có bất kỳ lý thuyết riêng biệt nào giúp nắm bắt hoàn toàn cái mà đối với hầu hết chúng ta là một kinh nghiệm rất phức tạp và mang tính cá nhân, thì nghiên cứu khoa học về tình yêu không nhất thiết làm giảm sự mầu nhiệm của tình yêu. Những lý thuyết đó có thể giúp chúng ta yêu một cách thông minh hơn, với sự thừa nhận về những tác động xã hội, sinh học và văn hóa hình thành nên những lựa chọn của chúng ta.

NGUỒN

Xét xử lưu động: Tiếp tục hay dừng lại (Phần 02)

             Một lập luận khác đề nghị hủy bỏ việc xét xử vụ án dưới hình thức phiên tòa lưu động, đó là "Có vụ án tới hàng nghìn người tham dự, trong đó có cả trẻ em. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của những em bé này khi lớn lên, nếu xét xử tại tòa án chỉ người đủ 18 tuổi mới được vào dự" - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) - Trong bài báo "Quan điểm trái chiều về xét xử lưu động" - Vnexpress.net.

             Xét xử lưu động: Tiếp tục hay dừng lại? (Phần 01)

            Trước khi đi vào nội dung chính của bài viết tôi muốn trao đổi qua một chút về độ tuổi được vào phòng xử án là 16 tuổi theo quy định tại điểm 3 Điều 3 Nội quy phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-CA của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công lý
           
            Trẻ em dưới 16 tuổi "dự phiên tòa", lỗi do ai?

            Ở đây, tôi muốn lưu ý một điều việc "dự phiên tòa" ở đây nghĩa là đứng gần hội trường xét xử nghe được nội dung của phiên tòa xét xử nhưng không đứng trong phạm vi của hội trường xét xử, vì dưới 16 tuổi thì không được tham dự phiên tòa.

            Việc cấm người dưới 16 tuổi tham dự phiên tòa chỉ có hiệu lực trong khuôn viên của hội trường xét xử nên việc người 16 tuổi gián tiếp tham dự phiên tòa là ngoài phạm vi quyền lực của lực lượng Công an hỗ trợ tư pháp, vì không có thẩm quyền yêu cầu người dưới 16 tuổi rời xa hội trường xét xử đủ để không nghe thấy các diễn biến của phiên tòa.

            "Vậy tại sao cơ quan tiến hành tố tụng không điều chỉnh âm lượng vừa đủ trong hội trường xét xử!?" - Tôi hoàn toàn nhất trí, nếu đã ngăn cấm người dưới 16 tuổi tham dự phiên tòa thì cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải điều chỉnh âm thanh phù hợp, không chỉ bởi tránh người dưới 16 tuổi tham dự phiên tòa gián tiếp mà còn tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh hội trường xét xử. Nhưng đó là nghiệp vụ tổ chức hội trường xét xử chứ không phải là khuyết điểm của hình thức xét xử lưu động.

            Một yếu tố khác dẫn đến việc người dưới 16 tuổi gián tiếp tham dự phiên tòa là do sự chủ quan thiếu quan tâm của người giám hộ, thông thường là cha mẹ của họ. Đối với những vụ án lớn trọng điểm được tổ chức dưới hình thức xét xử lưu động đều có thông báo, niêm yết lịch xét xử vụ án tại UBND xã, phường, thị trấn nơi tổ chức xét xử lưu động. Nếu cho rằng nội dung xét xử vụ án sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con mình (người dưới 16 tuổi) thì người giám hộ cần có biện pháp thích hợp để tránh việc con mình tham dự phiên tòa một cách gián tiếp.

            Thông tin vụ án trong phiên tòa có thực sự ảnh hưởng tới hành vi của người nghe?

            Như mọi người đều biết, con người có năm giác quan, Thính giác (nghe), Thị giác (nhìn), Xúc giác ( cảm giác qua da thông qua tiếp xúc, đụng chạm), Vị giác ( mùi vị), Khứu giác (mùi hương). Khi kích  thích các giác quan trên sẽ tạo ra tín hiệu truyền đến bộ não, từ đó quyết định ra phản ứng, suy nghĩ, hành động. Một thông tin phải được lặp đi lặp lại nhiều lần và liên tục thì mới đủ sức ảnh hưởng đến nhận thức của con người.

            Đối với các vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm thì nội dung, diễn biến của quá trình gây án không phải tới lúc phiên tòa xét xử diễn ra mới biết, mà từ hành vi phạm tội được phát hiện đã được báo chí đăng tải tràn lan, các phương tiện truyền thanh truyền hình đưa tin, các diễn đàn mạng bàn tán, thông tin trên mạng xã hội gần như liên tục cập nhập, chia sẻ, và có ai có thể khẳng định rằng các nội dung đó sẽ không bị người dưới 16 tuổi đọc được? Thậm chí khi vụ án xảy ra, người người bàn tán, nhà nhà bàn tán, đưa thêm các yếu tố ly kỳ để câu chuyện thâm phần hấp dẫn, và khi bàn tán họ sẽ loại trừ người dưới 16 tuổi? Không!

            Một phiên tòa diễn ra không phải là một vở kịch, một chương trình giải trí mà mọi thứ phải được tiến hành theo quy định của pháp luật nên nhìn chung rất là nhàm chán, chính vì vậy, nếu như bạn là người không liên quan đến vụ án thì tôi không chắc chắn rằng bạn có thể tập trung để theo dõi từng chi tiết, lắng nghe từng câu chữ khi phiên tòa xét xử diễn ra. Chính vì thế, không thể khẳng định rằng, việc lặp đi lăp lại hành vi phạm tội của bị cáo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi đang tham dự phiên tòa một cách giám tiếp.

            Đến nay, vẫn chưa thấy bất kỳ một vụ án nào được ghi nhận là do hung thủ bị ám ảnh bởi nội dung phiên tòa xét xử lưu động, nhưng bị ám ảnh bởi các bộ phim, trò chơi điện tử trực tuyến, truyện... có tính bạo lực cao thì khá nhiều, ví dụ: GAME; PHIM

            Như vậy, rất khó để chứng minh rằng các thông tin về vụ án được trình bày trong việc xét xử vụ án có thể ảnh hưởng đến người nghe mà cụ thể là người dưới 16 tuổi tham dự phiên tòa gián tiếp.

            Vậy đến đây, tôi xin dừng bài viết liên quan đến các quan điểm đề nghị hủy bỏ hình thức xét xử lưu động, mặc dù muốn trình bày thêm một số quan điểm để phản biện lại đề nghị hủy bỏ hình thức xét xử này nhưng tựu chung tôi thấy chỉ có 02 lý do này là lớn nhất nên tôi chỉ dừng lại ở đây.

Xét xử lưu động: Tiếp tục hay dừng lại? (Phần 01)



            Sau khi vụ án giết 06 người ở tỉnh Bình Phước được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử lưu động, đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng phản đối hình thức xét xử lưu động, tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên nhưng là rầm rộ nhất. Tôi không có ý kiến gì về việc tiếp tục hay dừng lại hình thức xét xử lưu động, tôi chỉ quan tâm đến lý lẽ mà người phản đối đưa ra có thuyết phục để dừng lại hay chưa!? Rất đơn giản, bạn muốn phản đối một việc đã và đang diễn ra thì bạn phải đưa ra lập luận và chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại của việc đó là ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng, đi ngược lại với sự phát triển của xã hội.
 
            Đến nay, lập luận mà tôi hoàn toàn ủng hộ đó là quan điểm của ông Ngô Cường - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao, quan điểm của ông Ngô Cường cho rằng "Tòa án không phải là cơ quan tuyên truyền pháp luật, nhiệm vụ của Tòa án ra bản án đúng người đúng tội để người ta tin vào công lý". Tất nhiên, nếu chỉ là lý do này thì không đủ để chấm dứt hình thức xét xử lưu động bởi lẽ "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

 
            Sau đây, tôi xin trình bày ý kiến của mình đối với một vài lập luận phản đối hình thức xét xử lưu động khác:

 
            1. Cha mẹ của bị cáo bị ảnh hưởng bởi hành vi của con cái họ cho dù con cái của họ đã thành niên.

             Đầu tiên, tôi muốn hỏi các bạn rằng: "Tôi có phải chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi của người khác gây ra?", tôi tin rất nhiều người sẽ trả lời là "Không, thật vô lý khi tôi phải chịu trách nhiệm về một việc mà tôi không làm". Vâng, hoàn toàn đúng là vậy nhưng... Hãy khoan, thế thì tại sao người Nhật cho đến nay phải xin lỗi Hàn Quốc, Trung Quốc về tội ác mà cha ông họ đã thực hiện trong thế chiến thứ hai, người Úc phải xin lỗi thổ dân vì đã chiếm đất và đối xử tàn nhẫn với người bản xứ, người Mỹ phải xin lỗi người Mỹ gốc Phi về chế độ nô lệ và thời đại phân biệt chủng tộc Jim Crow, nước Đức phải xin lỗi thế giới về tội ác đã diễn ra trong thế chiến thứ hai? Tôi thừa nhận rằng đa số lời xin lỗi đều nhuốm màu sắc chính trị hơn là sự chân thành của người xin lỗi. 
             Nhiều người đã lên tiếng mong muốn chấm dứt hành vi xin lỗi này như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng quân đội Nhật Bản không phải chịu trách nhiệm về hành vi ép phụ nữ làm nô lệ tình dục, và Nhật Bản đã xin lỗi đủ... Thủ tướng Úc John Howard cho rằng "Tôi không tin rằng thế hệ người Úc hiện nay phải chính thức xin lỗi và chịu trách nhiệm về hành động của thế hệ trước", Nghị sĩ đảng Cộng hòa, Mỹ, ông Henry Hyde cho rằng "Tôi không bao giờ sở hữu một nô lệ, không bao giờ áp bức bất kỳ ai. Tôi không biết có nên trả bồi thường hộ cho ai đó (đã sở hữu nô lệ) ở các thệ hệ trước khi tôi sinh ra!?". Hầu hết những lập luận này dựa trên một nền tảng lý luận đó là "chủ nghĩa cá nhân về đạo đức" nghĩa là tôi không chịu trách nhiệm đối với hậu quả bị gây ra bởi một hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Nếu như bạn ủng hộ lý lẽ này thì bạn đừng nên phản đối mà nên ủng hộ Chính phủ nước ta vay ODA nhiều hơn nữa, vì đơn giản khi thế hệ sau lớn lên họ đâu phải chịu trách nhiệm về những nguồn tiền vay ODA do thế hệ trước đã nhận!? 
             "Không thể nói như thế, vì ODA là nguồn vốn vay sử dụng để phát triển kinh tế hạ tầng cho sự phát triển của đất nước, chúng tôi là thế hệ sau được thừa hưởng những thành quả đó thì phải có trách nhiệm trả nợ", đúng là như thế bây giờ tôi xin giới thiệu đến các bạn một bộ phim của hãng Amazon có tựa đề "The Man in the hight castle" (tạm dịch sang tiếng Việt theo nghĩa của bộ phim "Thế giới khác"), trong bộ phim này đạo diễn đã xây dựng một xã hội mà ở đó phe pháp xít đã chiến thắng trong thế chiến thứ hai và tất nhiên các nước Đức, Ý, Nhật là cường quốc nắm quyền thống trị thế giới, vậy người Nhật, người Đức có cần xin lỗi ai không về tội ác của họ? Không, họ có cảm thấy vui vì thế hệ trước đã gây ra cuộc chiến thế giới thứ hai không? Tất nhiên là có.
             Vậy, nếu bạn nhận thành quả mà thế hệ trước tạo nên thì hậu quả (thất bại) bạn phải chịu trách nhiệm. Nhưng tại sao người Mỹ, người Úc... họ đã chiến thắng thổ dân nhưng phải xin lỗi!? Vì thành quả mà người Mỹ, người Úc hiện nay có được là từ việc xâm chiếm đất đai mà thổ dân là người khai phá và sử dụng trước. Bên cạnh đó, họ còn dùng vũ lực và đối xử dã man với thổ dân. Chính vì vậy, xin lỗi và bồi thường như là một hành động mang tính đạo đức để giải phóng phần nào trách nhiệm về mặt tinh thần của họ đối với thổ dân về hành vi của cha ông họ đã thực hiện mà thành quả họ đang hưởng là từ những hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức hiện nay.
             Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của một con người (tôi tạm bỏ qua trường hợp trẻ mồ côi), cha mẹ có trách nhiệm giáo dục và nuôi dưỡng con cái của mình (kể cả con nuôi). Trách nhiệm giáo dục con cái đầu tiên và phần lớn là thuộc về cha mẹ của chúng, sau đó là của Nhà nước và cuối cùng là xã hội. Vì đơn giản nếu tôi thành tài, sống có đạo đức thì người được lợi đầu tiên chính là gia đình tôi, sau đó là Nhà nước vì tôi kiếm được nhiều tiền sẽ đóng thuế nhiều cho Nhà nước và cuối cùng là cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Vậy, khi tôi là "một sản phẩm lỗi" xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng thì cha mẹ tôi phải chịu trách nhiệm cho dù tôi đã đủ 18 tuổi, trách nhiệm ở đây không phải là trách nhiệm theo quy định của pháp luật, mà trách nhiệm trước xã hội, trước cộng đồng vì đã tạo ra "một sản phẩm lỗi".
              "Không, tôi nuôi con vì đó là đạo lý làm cha làm mẹ chứ không phải mong con cái báo đáp lại mình". Vâng, sinh con và nuôi dạy con cái không chỉ là nghĩa vụ mà đó còn là một niềm hạnh phúc thiêng liêng của con người, khi chúng ta sinh ra con cái thì phải chịu trách nhiệm về việc giáo dục con cái, không thể cứ cho rằng qua 18 tuổi là tôi không còn phải chịu trách nhiệm gì nữa vì nó đã thành niên và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về hành vi mình gây ra.
              Như ông bà đã dạy "con dại - cái mang"!
 
              Điều này lại nhắc tôi nhớ đến cái tai nghe (headphone) của tôi mua cách đây một năm, thời hạn bảo hành là một năm. Hết một năm bảo hành, cái tai nghe của tôi hư và tôi đành chịu vì đã hết bảo hành.
            

              Phần 02: Trẻ em dưới 16 tuổi dự phiên tòa, lỗi do ai?